Kinh nghiệm viết một bài báo khoa học

0
366

KINH NGHIỆM VIẾT MỘT BÀI BÁO KHOA HỌC

TS. Hoàng Thị Thái Hòa
Khoa Tài nguyên Đất và Môi trường Nông nghiệp
 
Trong hoạt động nghiên cứu khoa học, bài báo khoa học đóng một vai trò hết sức quan trọng. Nó không chỉ là sản phẩm tri thức, mà còn là một loại tiền tệ của giới làm khoa học, bởi vì qua đó mà người ta có thể đánh giá khả năng chuyên môn và năng suất khoa học của nhà nghiên cứu. Mục tiêu số 1 của việc viết bài báo khoa học là truyền đạt thông tin về một vấn đề khoa học đến các đồng nghiệp, và tường trình những phương pháp hay cách tiếp cận để giải quyết vấn đề. Các tạp chí là phương tiện để các nhà khoa học chuyển tải thông tin.  Thông tin thường được trình bày dưới dạng một bài báo khoa học và bài báo được viết theo một cấu trúc đặc thù mà cộng đồng khoa học phải tuân theo. Do đó, để thành công trong khoa học, nhà khoa học phải nắm được kĩ năng viết bài báo khoa học. Bài viết này nhằm chia sẻ những kinh nghiệm trong viết một bài báo khoa học.
1.      Thế nào là một bài báo khoa học
Bài báo khoa học là một bài báo có nội dung khoa học được công bố trên một tập san/tạp chí khoa học đã qua hệ thống bình duyệt của tập san/tạp chí.
2. Nội dung bài báo khoa học
Giá trị khoa học của một bài báo tùy thuộc một phần lớn vào nội dung của bài báo. Bởi vì báo cáo khoa hoc xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, giá trị của chúng cũng không nhất thiết đồng nhất. Sau đây là một số bài báo khoa học thông thường
– Những bài báo mang tính cống hiến nguyên thủy, nhằm báo cáo kết quả một công trình nghiên cứu, hay đề ra một phương pháp mới, một ý tưởng mới, hay một cách diễn dịch mới.
– Những bài báo nghiên cứu ngắn, đây là những bài báo rất ngắn (chỉ khoảng 600 đến 1.000 chữ, tùy theo qui định của tập san) mà nội dung chủ yếu tập trung giải quyết một vấn đề rất hẹp hay báo cáo một phát hiện nhỏ nhưng quan trọng.
– Những bài điểm báo (reviews), thường tập trung vào một chủ đề hẹp nào đó mà tác giả phải đọc tất cả những bài báo liên quan, tóm lược lại, và bàn qua về những điểm chính cũng như đề ra một số đường hướng nghiên cứu cho chuyên ngành.
– Những bài báo trong các kỉ yếu hội nghị. Trong các hội nghị chuyên ngành, các nhà nghiên cứu tham dự hội nghị và muốn trình bày kết quả nghiên cứu của mình thường gửi bài báo để đăng vào kỉ yếu của hội nghị. Có hai loại bài báo trong nhóm này: Nhóm 1 gồm những bài báo ngắn (proceedings papers) thực chất là những bản tin khoa học ngắn (chỉ dài từ 250 chữ đến 500 chữ) mà nội dung là tóm tắt một công trình nghiên cứu. Nhóm 2 gồm những bản tóm lược (abstracts), (khoảng 5 đến 10 trang), mà nội dung chủ yếu là báo cáo sơ bộ những phát hiện hay phương pháp nghiên cứu mới.
3. Cách trình bày một bài báo khoa học
3.1. Tựa bài (Title): Tựa bài thường từ 10 –15 từ, phản ánh nội dung chính của bài viết. Một tựa bài tốt không phải nhằm mục đích lôi cuốn hấp dẫn độc giả mà là đề cập thẳng vấn đề muốn giải quyết và dùng những từ chủ yếu để những ai nghiên cứu trong cùng một lĩnh vực có thể nhận biết được. Sau tựa bài là tên tác giả. Để có một tựa đề sáng tạo, nên tuân thủ hay ít ra là xem xét đến một số khía cạnh sau đây:
Không bao giờ sử dụng viết tắt.  Nên nhớ rằng nhiều người ngoài lĩnh vực chuyên môn đọc bài báo của bạn, và viết tắt có thể làm cho họ khó chịu vì họ không quen hay không biết đến những chữ viết tắt chuyên ngành.
Không nên đặt tựa đề theo kiểu nghịch lí hay tựa đề mơ hồ, vì nó biểu hiện nghiên cứu của bạn chẳng giải quyết được vấn đề gì, hay chẳng có câu trả lời gì, và do đó người đọc có thể nghĩ sẽ rất phí thì giờ để đọc bài báo.
Không nên đặt tựa đề dài.  Tựa đề bài báo không nên dài hơn 20 từ.  Tựa đề dài có thể làm cho người đọc mất chú ý. 
Tựa đề bài báo nên có yếu tố mới.  Yếu tố mới lúc nào cũng có hiệu quả thu hút sự chú ý của người đọc. 
Không nên đặt tựa đề như là một phát biểu.  Những tựa đề này làm cho người đọc bực mình. 
Vì tựa đề bài báo được sử dụng trong các cơ sở dữ liệu, nên khi đặt tựa đề cần phải để ý đến những từ khóa (keywords). Phần lớn những cơ sở dữ liệu dùng tiêu đề và tựa đề làm thuật ngữ tìm kiếm. 
3.2. Tóm tắt (Summary or Abstract): Mục đích của phần tóm tắt là giúp độc giả nhận biết bài viết có phù hợp với đề tài mình họ đang quan tâm không. Có 2 loại tóm lược: không có tiêu đề và có tiêu đề. Loại tóm lược không có tiêu đề là một đoạn văn duy nhất tóm tắt công trình nghiên cứu. Loại tóm lược có tiêu đề như tên gọi – là bao gồm nhiều đoạn văn theo các tiêu đề sau đây:
Câu hỏi và mục đích của nghiên cứu.  Phần này phải mô tả bằng 2 câu văn.  Câu văn thứ nhất mô tả vấn đề mà tác giả quan tâm là gì, và tình trạng tri thức hiện tại ra sao.  Câu văn thứ hai mô tả mục đích nghiên cứu một cách gọn nhưng phải rõ ràng.
Phương pháp nghiên cứu.  Cần phải mô tả công trình nghiên cứu được thiết kế theo mô hình gì, đối tượng tham gia nghiên cứu đến từ đâu và đặc điểm của đối tượng, phương pháp đo lường, chỉ tiêu.  Phần này có thể viết trong vòng 4-5 câu văn.
Kết quả.  Trong phần này, tác giả trình bày những kết quả chính của nghiên cứu, kể cả những số liệu có thể lấy làm điểm thiết yếu của nghiên cứu.  Nên nhớ rằng kết quả này phải được trình bày sao cho trả lời câu hỏi nghiên cứu đặt ra từ câu văn đầu tiên.
Kết luận.  Một hoặc 2 câu văn kết luận và ý nghĩa của kết quả nghiên cứu.  Có thể nói phần lớn độc giả chú tâm vào câu văn này trước khi học đọc các phần khác, cho nên tác giả cần phải chọn câu chữ sao cho “thuyết phục” và thu hút được sự chú ý của độc giả trong 2 câu văn quan trọng này.
Nếu tựa đề bài báo phát biểu về nội dung của công trình nghiên cứu, thì bảng tóm lược cho phép bạn mô tả chi tiết hơn nội dung của công trình nghiên cứu.  Độ dài của bảng tóm lược thường chỉ 200 đến 300 từ (tùy theo qui định của tập san).  Bảng tóm lược giúp người đọc nên đọc tiếp bài báo hay bỏ qua bài báo.  Do đó, tác giả cần phải cung cấp thông tin một cách ngắn gọn, nhưng có dữ liệu (chứ không phải chỉ hứa suông) và đi thẳng vào vấn đề (chứ không phải viết lòng vòng).  Thông thường bảng tóm lược được viết sau khi đã hoàn tất bài báo. Tác giả phải chọn từ ngữ rất cẩn thận để phản ảnh một cô đọng những điều mình muốn chuyển tải đến cộng đồng khoa học.
3.3. Introduction (Đặt vấn đề): Trong phần này, tác giả xác định đề tài nghiên cứu, phác thảo mục tiêu nghiên cứu và cung cấp cho độc giả đầy đủ cơ sở khoa học để hiểu biết phần còn lại của bài viết. Cần chú ý giới hạn những kiến thức cơ sở này trong các thử nghiệm của tác giả. Mục này sẽ đạt yêu cầu nếu trả lời được những câu hỏi như: (1) Lý do thực hiện nghiên cứu này? (xuất phát từ hiện tượng tự nhiên hay các tư liệu đã có trước), (2) Những kiến thức nào đã có trước về đề tài này? (tổng kết tư liệu, quá trình phát triển ý tưởng trước đó của các tác giả khác, những khẳng định, mâu thuẫn, và khác biệt giữa các tài liệu đã có về đề tài này), (3) Mục đích chính của nghiên cứu là gì?
3.4. Vật liệu và phương pháp nghiên cứu (Materials and Methods): Vật liệu thu thập được và phương pháp nghiên cứu của tác giả được trình bày ở đây. Mục này khó viết nhất ở chỗ cung cấp vừa đủ chi tiết để hiểu được thử nghiệm nghiên cứu nhưng không làm rối trí độc giả. Nhìn chung, tác giả sẽ phải trả lời những câu hỏi sau: (1) Dữ liệu nào đã sử dụng? (2) Chúng được sử dụng như thế nào? (3) Địa điểm và thời gian hoàn thành thử nghiệm?
Phần phương pháp phải cung cấp một cách chi tiết những gì tác giả đã làm và làm như thế nào, ở đây, tác giả phải cẩn thận quân bình giữa hai nhu cầu: súc tích (vì không thể mô tả tất cả các kỹ thuật với những chi tiết chi li) và đầy đủ (tác giả phải trình bày đầy đủ thông tin sao cho người đọc biết được những gì đã làm). Phần phương pháp cần phải cung cấp cho người đọc những thông tin liên quan đến tính khái quát hóa. Kinh nghiệm người viết bài này cho thấy, trước khi viết cần phải liệt kê ra danh sách những từ hay sử dụng trong bài báo.
3.5. Kết quả (Results): Mục này tóm tắt những kết quả thử nghiệm và không đề cập đến ý nghĩa của chúng. Dữ liệu được trình bày theo bảng biểu, đồ thị hình vẽ, hình ảnh v.v…Những dữ liệu đã ghi theo bảng không nên trình bày lại theo hình vẽ hay biểu đồ. Những số liệu và bảng biểu tự chúng đã trình bày đầy đủ thông tin mà không cần phải giải thích thêm bằng lời. Mục này nên tập trung vào những xu hướng và khác biệt chính chứ đừng sa vào những chi tiết nhỏ nhặt.
Phần kết quả phải được viết một cách ngắn gọn và đi thẳng vào vấn đề nêu ra trong phần dẫn nhập. Tác giả phải trả lời cho được câu hỏi: đã phát hiện gì? Cần phải phân biệt rõ đâu là kết quả chính và đâu là kết quả phụ. Những số liệu này phải lần lượt trả lời các mục đích mà tác giả đã nêu ra trong phần dẫn nhập. Tất cả các bảng thống kê, biểu đồ và hình ảnh phải được chú thích rõ ràng; tất cả những ký hiệu phải được đánh vần hay chú giải một cách cụ thể để người đọc có thể hiểu được ý nghĩa của những dữ kiện này. Trong phần kết quả, tác giả chỉ trình bày sự thật và chỉ sự thật, kể cả những sự thật mà nhà nghiên cứu không tiên đoán trước được hay những kết quả “tiêu cực” (ngược lại với điều mình mong đợi). Trong phần kết quả, tác giả không nên bình luận hay diễn dịch những kết quả này cao hay thấp, xấu hay tốt, vì những nhận xét này sẽ được đề cập đến trong phần thảo luận.
3.6. Diễn giải và Phân tích kết quả (Discussion): Mục này nhằm: (1) Diễn giải phân tích kết quả, những ưu điểm và hạn chế, tách bạch rõ ràng dữ liệu và suy luận, (2) Mối liên hệ giữa kết quả nghiên cứu của tác giả với những phát hiện khác trong các nghiên cứu trước đó. Điều này cho thấy đóng góp của tác giả bổ sung cho lý thuyết và kiến thức, hay điều chỉnh những sai sót của các đề tài nghiên cứu trước đó. Tất nhiên, người viết phải có những lý lẽ thật lôgích cho những thử nghiệm và suy luận của mình và cũng có thể đề nghị tiếp tục những thử nghiệm trong tương lai để làm sáng tỏ những vấn đề còn bỏ ngỏ trong kết quả của mình.
Đối với đa số các nhà nghiên cứu, đây là phần khó viết nhất vì nó không có một cấu trúc cố định nào cả. Nói một cách ngắn gọn, trong phần này, tác giả phải trả lời câu hỏi: những phát hiện này có nghĩa gì? Trong phần thảo luận, tác giả phải giải thích, hay đề nghị một mô hình giải thích, tại sao những dữ kiện thu thập được có xu hướng đã quan sát trong cuộc nghiên cứu. Nếu không giải thích được thì nhà nghiên cứu phải thành thật nói không biết. Tác giả còn phải so sánh với kết quả của những nghiên cứu trước và giải thích tại sao chúng khác nhau hoặc giống nhau, và ý nghĩa của chúng là gì. Ngoài ra, nhà nghiên cứu còn phải có trách nhiệm tự mình vạch ra những thiếu sót, trắc trở, khó khăn cùng những ưu điểm của CTNC, cũng như đưa ra các giải pháp khắc phục hay đề xuất hướng nghiên cứu trong tương lai.
3.7. Phần cảm ơn (Acknowledgements) hay Tài liệu tham khảo (Reference): Người viết cảm ơn những người đã cộng tác nghiên cứu với mình và liệt kê tất cả tài liệu đã trích dẫn trong bài viết. Cách trình bày theo thứ tự, tên tác giả, tác phẩm, năm tháng, nơi xuất bản v.v.. có thể khác nhau giữa các tạp chí (trước sau, in nghiêng, in đậm v.v..).
 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here