Chậm sửa đổi Luật Đất đai, hàng trăm nghìn tỷ đồng sẽ ứ đọng

0
337

Chiều 21/7, Quốc hội có phiên thảo luận tại hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021.

Tờ trình do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày cho biết, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là dự án luật phức tạp, có nội dung tác động lớn tới xã hội nên cần nhiều thời gian để nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng.

Vì thế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến đưa dự án luật này vào chương trình và xem xét, thông qua theo quy trình 3 kỳ họp. Cụ thể, Thường vụ sẽ trình Quốc hội cho ý kiến với dự luật tại kỳ họp thứ 3 diễn ra vào tháng 5/2022, kỳ họp thứ 4 vào tháng 10/2022 và sẽ thông qua tại kỳ họp thứ 5 diễn ra vào tháng 5/2023.

Trong quá trình chuẩn bị, nếu chất lượng dự án luật tốt và tiến độ chuẩn bị nhanh hơn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội xem xét đẩy nhanh tiến độ thông qua theo quy trình tại 2 kỳ họp.

Góp ý về chương trình, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang) nhắc đến tình trạng dự án luật đưa vào chương trình họp rồi vì nhiều lý do lại rút ra, trong đó có nguyên nhân là nhiều đại biểu Quốc hội là đại biểu kiêm nhiệm, tính chuyên nghiệp chưa cao.

Trong đó Luật Đất đai (sửa đổi), theo đại biểu, đã từng đưa ra nhưng nhiều lần xin lùi thời gian và đến giờ phút này vẫn chưa được sửa đổi. Bà Bé cảnh báo, nếu theo tiến trình dự kiến, tới năm 2024 luật mới có hiệu lực và sau đó mới có các văn bản hướng dẫn thi hành cụ thể. Trong khi đó, đây là dự luật rất quan trọng trong việc đảm bảo quyền lợi về sở hữu đất đai của người dân. Vì vậy, bà Bé đề xuất Quốc hội đẩy nhanh tiến độ trình dự án luật vào kỳ họp cuối năm nay.

Chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Văn Thân – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ phản ánh, thị trường bất động sản đang tăng giá rất kinh khủng, thậm chí có thể dẫn đến khủng hoảng vấn đề về đất ở. Ngược lại, bất động sản du lịch lại đang đi xuống.

“Các địa phương, doanh nghiệp đã giải tỏa công trình đền bù nhưng vướng Luật Đất đai và Luật Đấu thầu nên không xử lý được. Nếu kéo dài đến kỳ họp thứ 4 mới đưa trình Luật Đất đai (sửa đổi) thì hàng trăm nghìn tỷ đồng sẽ ứ đọng và doanh nghiệp gặp tình trạng rất nguy hiểm” – ông Thân cảnh báo và đề xuất, nếu không kịp trình thì Quốc hội phải đưa ra nghị quyết để giải tỏa bức xúc của doanh nghiệp.

Đại biểu Lê Xuân Thân (Khánh Hòa) phản ánh, Quốc hội khóa XIV năm 2018 đã đưa luật Đất đai vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 nhưng năm 2019 – 2020 lại “kính chuyển” sang Quốc hội khóa XV. Tới Quốc hội khóa này, luật tiếp tục được dự kiến xin ý kiến lần đầu tại kỳ họp tháng 5/2022.

“Phải làm thế nào để cuối năm 2022 ban hành được Luật Đất đai sửa đổi, để thể hiện quyết tâm của Chính phủ, Quốc hội với vấn đề rất nóng bỏng này”- ông Thân nói.

Trong khi đó, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) đánh giá, việc quản lý, sử dụng đất đai cho thấy đất đai chưa trở thành nguồn lực lớn, chưa được sử dụng tốt để phát triển kinh tế – xã hội. Nhiều tiêu cực sai phạm xảy ra trong quá trình quản lý, sử dụng đất đai ở nhiều địa phương khi giao đất, thu hồi đất… Chính vì tính chất phức tạp và nội dung rộng lớn như vậy nên sự thận trọng là có cơ sở.

Tiếp thu những ý kiến góp ý của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long giải thích, việc đưa nội dung Luật Đất đai (sửa đổi) vào kỳ họp tháng 5/2022 là cố gắng rất lớn của các cơ quan soạn thảo, do đây là đạo luật có nội dung rất lớn, liên quan đến nhiều vấn đề.

Nguồn: https://dantri.com.vn/xa-hoi/cham-sua-doi-luat-dat-dai-hang-tram-nghin-ty-dong-se-u-dong-20210721200403246.htm

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here