Ngành Quản lý đất đai 75 năm xây dựng và phát triển

0
430

Ngành Quản lý đất đai 75 năm xây dựng và phát triển

(TN&MT) – Thắng lợi Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã mở ra một trang sử mới cho dân tộc Việt Nam, đánh dấu sự khởi đầu của kỷ nguyên độc lập dân tộc, dân chủ. Hòa trong không khí những ngày tháng lịch sử hào hùng đó, ngày 3/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 41-SL đặt nền móng quan trọng cho việc ra đời của ngành Quản lý đất đai thuộc Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Trải qua những chặng đường lịch sử, Ngành Quản lý đất đai đã từng bước lớn mạnh và trưởng thành, góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước.

Dấu ấn một chặng đường

Ngay thời kỳ đầu thành lập với đội ngũ cán bộ còn ít, thực hiện chủ trương của Đảng “độc lập dân tộc và người cày có ruộng”, Ngành đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành và thực hiện hàng loạt chủ trương, chính sách pháp luật quan trọng về đất đai nói chung, đặc biệt là quy định về ruộng đất đối với nông nghiệp, nông dân. Những quyết sách đúng đắn đã trở thành động lực quan trọng trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, tạo thành khối Liên minh Công – Nông vững chắc và là cơ sở cho quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam.

Thời kỳ xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và kháng chiến chống Mỹ xâm lược ở miền Nam, đấu tranh thống nhất đất nước (1954 – 1975). Với mục tiêu “Đẩy mạnh cuộc cách mạng Xã hội chủ nghĩa (XHCN), trọng tâm là đẩy mạnh cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với thành phần kinh tế cá thể của nông dân, thợ thủ công và cuộc cải tạo XHCN đối với thành phần kinh tế tư bản tư doanh, đồng thời ra sức phát triển kinh tế quốc doanh” (ở miền Bắc), Ngành đã xây dựng trình ban hành và thực hiện các chính sách đất đai như: Hoàn thành cải cách ruộng đất, khôi phục kinh tế nông nghiệp; cải tạo Chủ nghĩa xã hội đối với thành phần kinh tế cá thể của nông dân; xây dựng Hợp tác xã nông nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản để phục vụ phân vùng sản xuất. Các chính sách công hữu hoá đất đai giai đoạn này đã tạo điều kiện quy hoạch các vùng sản xuất chuyên canh lớn, đồng thời tạo điều kiện xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng như thủy lợi, giao thông xây dựng đồng ruộng.

Sau ngày đất nước thống nhất (1975), công tác Quản lý đất đai chủ yếu nhằm củng cố nền kinh tế XHCN và cải tạo XHCN ở miền Nam, tập trung tư liệu sản xuất, thực hiện hợp tác hóa gắn liền với thủy lợi hóa, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật… trong đó, thay đổi cơ bản là từng bước chuyển từ chế độ tư hữu đất đai sang hình thức sở hữu tập thể và sở hữu Nhà nước về đất đai. Đến năm 1980, Hiến pháp đã quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện và thống nhất quản lý.

Bước vào thời kỳ đổi mới, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần VI và các đại hội tiếp theo về chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, ngành đã xác định nhiệm vụ quản lý và phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.

Sau hơn 30 năm thực hiện đổi mới, tổ chức Ngành đã không ngừng lớn mạnh. Hiện, toàn Ngành có trên 30.000 cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp làm công tác quản lý đất đai từ Trung ương đến địa phương. Các hoạt động của Ngành quản lý đất đai đã đạt được nhiều thành tựu quan trong góp phần đẩy mạnh sự nghiệp phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế, từng bước “Nắm chắc, quản chặt, khai thác có hiệu quả” tài nguyên đất đai. Công tác xây dựng thể chế ngày càng được đẩy mạnh, Ngành đã xây dựng trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền hệ thống chính sách về đất đai phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Chính sách đất đai không chỉ còn là “mệnh lệnh” hành chính mà được xem xét dưới góc độ kinh tế, tạo ra nội lực to lớn thúc đẩy sản xuất phát triển, thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài; thừa nhận giá trị quyền sử dụng đất trong thị trường bất động sản. Những chủ trương chính sách đúng đã góp phần đưa đất đai trở thành nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế; đảm bảo được an ninh lương thực; góp phần xóa đói giảm nghèo…

Ngành Quản lý đất đai đã thực hiện thí điểm kết nối liên thông điện tử giữa Cơ quan thuế và Cơ quan đăng ký đất đai. Ảnh: MH

Đặc biệt, giai đoạn 2011 – 2020 đánh dấu thành tích nổi bật của Ngành trong việc đẩy mạnh công tác quản lý, kiểm soát chặt chẽ quá trình sử dụng đất, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, sử dụng đất tiết kiệm, bền vững đáp ứng ngày càng tốt hơn đối với yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và biến đổi khí hậu toàn cầu, đó là:

Thứ nhất, đã đổi mới công tác hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật để xóa bỏ nhiều rào cản, tháo gỡ vướng mắc trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai, góp phần ổn định chính trị – xã hội, thông qua việc chủ trì tổng kết Nghị quyết Trung ương 7 (Khóa IX) về tiếp tục đổi mới chính sách pháp luật đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tại kỳ họp thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 31/10/2012 về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Trình Quốc hội thông qua Luật Đất đai năm 2013, có hiệu lực vào ngày 1/7/2014; chủ trì sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW để trình Bộ chính trị ban hành Kết luận số 36-KL/TW với những quan điểm định hướng lớn về đất đai để tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật đất đai trong thời gian tới; đồng thời, hoàn thiện hồ sơ để báo cáo cấp có thẩm quyền đối với những nội dung lớn cần xem xét sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về luật đất đai. Tham mưu trình Chính phủ ban hành và trình cấp có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để giải quyết căn bản những vướng mắc khó khăn trong quá trình thi hành Luật Đất đai năm 2013, với nhiều đóng góp lớn góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy sản xuất phát triển, phát huy nguồn lực đất đai và đảm bảo quyền của người sử dụng đất…; các văn bản được trình ban hành theo đúng trình tự, thủ tục, đảm bảo tiến độ, kịp thời có hiệu lực ngay khi Luật Đất đai có hiệu lực thi hành, khắc phục tình trạng Luật chờ các văn bản hướng dẫn.

Thứ hai, quản lý Nhà nước về đất đai tiếp tục góp phần đảm bảo an ninh lương thực, xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về đất đai, nhất là chính sách mở rộng thời hạn giao đất trồng lúa, đất trồng cây hàng năm, cùng với chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ứng dụng công nghệ đã khuyến khích nông dân, doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh; qua đó, từ một nước thiếu lương thực đã trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo lớn với 6,34 triệu tấn vào năm 2019, thu nhập của dân cư nông thôn năm 2019 đạt 39,3 triệu đồng. Thực hiện Kết luận số 53-KL/TW của Bộ Chính trị, Ngành đã trình Quốc hội phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất đến 5 năm (2011 – 2015) của cả nước tại Nghị quyết số 17/2011/QH13 ngày 22/11/2011, trong đó, xác định diện tích đất trồng lúa cả nước là 3,8 triệu ha, đất chuyên trồng lúa là 3,2 triệu ha; trước yêu cầu công nghiệp hóa, đô thị hóa, tác động của biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn, phát triển của khoa học công nghệ, năng suất cây trồng, Ngành đã báo cáo cáo Chính phủ để cùng với Đảng đoàn Quốc hội báo cáo Bộ Chính trị và trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 134/2016/QH13 cho phép giảm diện tích đất trồng lúa xuống còn 3,76 triệu ha, diện tích đất chuyên trồng lúa là 3,1 triệu ha để đảm bảo phù hợp với tiến trình phát triển trong tình hình mới, nhưng cũng vẫn đảm bảo và duy trì an ninh lương thực quốc gia; đồng thời cho phép chuyển đổi linh hoạt khoảng 400 nghìn ha đất trồng lúa để đảm bảo chủ động trước tác động của biến đổi khí hậu, nhu cầu của thị trường và nâng cao hiệu quả sử dụng đất, thu nhập cho nông dân.

Thứ ba, công tác quản lý đất đai tiếp tục khẳng định vai trò đảm bảo nhu cầu sử dụng đất cho các ngành kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường phù hợp với yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thông qua việc: Hoàn thiện công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để đáp ứng đầy đủ yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, làm căn cứ để Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất cho các mục tiêu phát triển, quốc phòng, an ninh, thông qua quy hoạch sử dụng đất đã góp phần đảm bảo tính thống nhất trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai, đáp ứng nhu cầu đất đai cho xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu đô thị, thương mại, dịch vụ, các khu dân cư…, góp phần quan trọng thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển dịch cơ cấu lao động và đảm bảo quốc phòng, giữ vững ổn định tình hình an ninh, chính trị – xã hội của cả nước.

Từ năm 2016 đến nay, đã thực hiện giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để giải quyết nhu cầu nhà ở đô thị, nông thôn khoảng trên 19,6 nghìn ha, phát triển sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp khoảng 15,5 nghìn ha, xây dựng kết cấu hạ tầng khoảng 25,5 nghìn ha, đưa hơn 500 ha đất chưa sử dụng vào phục vụ các mục đích phát triển kinh tế – xã hội, qua đó đã hình thành lên các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu du lịch, dịch vụ đồng bộ, có quy mô sử dụng đất lớn đóng góp trực tiếp cho quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Hiệu quả sử dụng đất sản xuất nông nghiệp, phi nông nghiệp tăng gấp hơn 2 lần so với trước đây.

Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy chứng nhận lần đầu đối với các loại đất theo Nghị quyết số 30/2012/QH12 của Quốc hội, góp phần đảm bảo ngày càng tốt hơn quyền của người sử dụng đất, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển. Cả nước đã đo đạc, lập bản đồ địa chính đạt trên 77% tổng diện tích tự nhiên; tỷ lệ cấp GCN lần đầu đạt trên 97% tổng diện tích các loại đất cần cấp (trung bình mỗi năm trong giai đoạn này tăng từ 0,16% đến 2% tương đương mỗi năm khoảng gần 20 ngàn Giấy chứng nhận). Kết quả này đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về đất đai, bảo đảm điều kiện pháp lý cho người sử dụng đất thực hiện các quyền, nghĩa vụ hợp pháp của mình theo quy định của pháp luật đất đai.

Nguồn lực về đất đai tiếp tục được phát huy, góp phần tạo ra nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước, đồng thời bảo đảm tốt hơn quyền lợi của người sử dụng đất, lợi ích của Nhà nước, chủ đầu tư; các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã xây dựng, ban hành và công bố công khai Bảng giá đất theo quy định. Công tác xác định giá đất cụ thể đã được các tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện đúng quy định, quy trình, bảo đảm tốt hơn quyền lợi của người có đất thu hồi. Số tiền thu từ đất (tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp) đã tăng qua các năm cho ngân sách Nhà nước: năm 2015 là 84,8 nghìn tỷ đồng, năm 2016 là 115,3 nghìn tỷ đồng, năm 2017 là 104,4 nghìn tỷ đồng, năm 2018 là 184,5 nghìn tỷ đồng, năm 2019 đạt trên 191,5 nghìn tỷ đồng, trung bình nguồn thu từ đất đóng góp từ 12% đến 15% cho ngân sách, cá biệt có những nơi nguồn thu từ đất chiếm tới trên 30% ngân sách địa phương.

Công tác cải cách thủ tục hành chính được tập trung chỉ đạo, đã cắt giảm, đơn giản hóa nhiều thủ tuc hành chính, phối hợp liên thông, chia sẻ cơ sở dữ liệu về đất đai cho các ngành, lĩnh vực để góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho việc khơi thông nguồn lực đất đai, phục vụ cho phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Với việc đã cắt giảm từ 1/2 – 1/3 thời gian thực hiện thủ tục khi thực hiện các giao dịch về quyền sử dụng đất, quyền tài sản trên đất, chỉ số đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản (một trong 10 chỉ số để đánh giá môi trường kinh doanh) có sự chuyển biến mạnh mẽ đứng thứ 60/190 quốc gia được đánh giá. 100% các huyện trên cả nước đã ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hồ sơ địa chính, quản lý đất đai ở các mức độ khác nhau, trong đó, có 182/713 đơn vị hành chính cấp huyện thuộc 46 tỉnh, thành phố đang vận hành, quản lý khai thác, sử dụng đồng bộ cơ sở dữ liệu đất đai để phục vụ công tác quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính về đất đai, đồng thời góp phần làm minh bạch thị trường bất động sản. Bên cạnh đó, Ngành đã thực hiện thí điểm kết nối liên thông điện tử giữa Cơ quan thuế và Cơ quan đăng ký đất đai, đây là một bước đột phá cải cách thủ tục hành chính rất quan trọng, được người dân và các cơ quan quản lý Nhà nước ghi nhận, đánh giá cao…

Trải qua những chặng đường lịch sử, Ngành Quản lý đất đai đã từng bước lớn mạnh và trưởng thành. Ảnh: MH

Hoàn thiện thể chế, tạo môi trường pháp lý thuận lợi

Trải qua các giai đoạn, thời kỳ lịch sử khác nhau, quản lý đất đai vẫn luôn được xem là vấn đề hệ trọng, mang tính tổng hợp cả về kinh tế và chính trị – xã hội, được Đảng, Nhà nước và nhân dân quan tâm. Giải quyết đúng đắn chính sách đất đai sẽ tạo thêm động lực, góp phần quan trọng để đạt được những thành tựu to lớn của sự nghiệp cách mạng, của mỗi giai đoạn phát triển. Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Ngành sẽ phát huy trí tuệ tập thể nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức, để cùng các cấp, các ngành thực hiện thành công công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Để đạt được những thành tựu to lớn hơn nữa trong thời gian tới, toàn thể cán bộ công chức, viên chức, người lao động ngành Quản lý đất đai sẽ tiếp tục đoàn kết, phát huy trí tuệ tập thể, nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ cơ bản sau:

Tiếp tục hoàn thiện thể chế, hệ thống chính sách pháp luật đất đai phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN tạo môi trường pháp lý thuận lợi để Nhà nước “nắm chắc, quản chặt” quỹ đất đai thông qua việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 19 của Ban Chấp hành Trung ương, tổng kết thi hành Luật Đất đai để đề xuất sửa đổi, hoàn thiện chính sách pháp luật đất đai trong thời gian tới, đồng thời phân bổ nguồn tài nguyên đất đai cho các ngành kinh tế, xã hội, đảm bảo mục tiêu của quốc phòng, an ninh; tăng cường chỉ đạo, tổ chức triển khai và kiểm tra việc thi hành pháp luật về đất đai; đánh giá tác động của các chính sách, pháp luật đất đai đối với phát triển kinh tế – xã hội và cộng đồng.

Xây dựng và hoàn thiện hệ thống dữ liệu đất đai, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước về đất đai trên tất cả các lĩnh vực; xây dựng hệ thống thông tin đất đai thành một bộ phận của hệ thống dữ liệu quốc gia; chuyển dần các hoạt động đăng ký, giao dịch trong lĩnh vực đất đai sang giao dịch điện tử; tổ chức việc quản lý, khai thác, vận hành có hiệu quả hệ thống thông tin đất đai; cập nhật, chỉnh lý kịp thời các dữ liệu địa chính, điều tra cơ bản về đất đai, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giá đất, thống kê, kiểm kê đất đai và các dữ liệu khác thuộc cơ sở dữ liệu đất đai.

Tập trung điều tra cơ bản, đánh giá tiềm năng và chất lượng tài nguyên đất đai toàn quốc, trong đó chú trọng việc điều tra các vùng đặc thù về thoái hóa, xâm nhập mặn, ngập úng, khô hạn, hoang mạc hóa, xói mòn, rửa trôi, ô nhiễm đất phục vụ quản lý, sử dụng đất bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu; đổi mới phương pháp thực hiện và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong công tác thống kê, kiểm kê đất đai định kỳ và theo chuyên đề nhằm cung cấp số liệu chính xác phục vụ công tác quản lý Nhà nước về đất đai và phát triển kinh tế, xã hội.

Hoàn thiện hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu sử dụng đất phù hợp với sự chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; tiếp tục nghiên cứu đổi mới nội dung và phương pháp theo công nghệ tiên tiến trong việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất lồng ghép với các yếu tố môi trường và biến đổi khí hậu; xây dựng, hoàn thiện cơ chế, triển khai ứng dụng công nghệ hiện đại trong giám sát biến động tài nguyên đất đai và thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, ưu tiên giám sát việc quản lý, sử dụng đất chuyên trồng lúa, đất rừng để góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và bảo vệ môi trường sinh thái.

Hoàn thiện hệ thống cơ chế tài chính về đất đai với các yêu cầu cụ thể như hệ thống định giá đất trở thành công cụ tài chính điều tiết các quan hệ đất đai và quản lý thị trường bất động sản; xây dựng hệ thống phát triển quỹ đất bảo đảm phát triển và quản lý quỹ đất một cách chặt chẽ, hợp lý, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội.

Kiện toàn hệ thống bộ máy tổ chức, nâng cao năng lực cho Ngành, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, đảm bảo chức năng thống nhất quản lý Nhà nước về đất đai trên phạm vi cả nước, có sự phân công, phân cấp rõ ràng, hoạt động có hiệu quả, đủ năng lực thực hiện các hoạt động quản lý Nhà nước và các dịch vụ công về đất đai. Phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đầu tư trang thiết bị, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ ngang tầm trình độ tiên tiến của các nước trong khu vực và trên thế giới.

Nguồn: https://baotainguyenmoitruong.vn/nganh-quan-ly-dat-dai-75-nam-xay-dung-va-phat-trien-311413.html

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here