Sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả và bền vững

0
423

 

1- Sự cần thiết sử dụng đất tiết kiệm, có hiệu
quả và bền vững

Ngày nay, sử dụng đất bền vững, tiết kiệm và có hiệu quả đã trở
thành chiến lược quan trọng có tính toàn cầu. Nó đặc biệt quan trọng đối với sự
tồn tại và phát triển của nhân loại, bởi nhiều lẽ:

Một là, tài nguyên đất vô cùng quý giá. Bất kỳ nước nào, đất đều là tư liệu sản xuất nông – lâm
nghiệp chủ yếu, cơ sở lãnh thổ để phân bố các ngành kinh tế quốc dân. Nói đến
tầm quan trọng của đất, từ xa xưa, người Ấn Độ, người Ả-rập, người Mỹ đều có
cách ngôn bất hủ: “Đất là tài sản vay mượn của con cháu”. Người Mỹ còn nhấn
mạnh “…đất không phải là tài sản thừa kế của tổ tiên”. Người Ét-xtô-ni-a, người
Thổ Nhĩ Kỳ coi “có một chút đất còn quý hơn có vàng”. Người Hà Lan coi “mất đất
còn tồi tệ hơn sự phá sản”. Gần đây trong báo cáo về suy thoái đất toàn cầu,
UNEP khẳng định “Mặc cho những tiến bộ khoa học – kỹ thuật vĩ đại, con người
hiện đại vẫn phải sống dựa vào đất”. Đối với Việt Nam, một đất nước với “Tam sơn, tứ
hải, nhất phân điền”, đất càng đặc biệt quý giá.

Hai là, tài nguyên đất có hạn, đất có khả năng canh tác càng
ít ỏi. Toàn lục địa trừ diện tích đóng băng vĩnh cửu
(1.360 triệu héc-ta) chỉ có 13.340 triệu héc-ta. Trong đó phần lớn có nhiều hạn
chế cho sản xuất do quá lạnh, khô, dốc, nghèo dinh dưỡng, hoặc quá mặn, quá
phèn, bị ô nhiễm, bị phá hoại do hoạt động sản xuất hoặc do bom đạn chiến
tranh. Diện tích đất có khả năng canh tác của lục địa chỉ có 3.030 triệu
héc-ta. Hiện nhân loại mới khai thác được 1.500 triệu héc-ta đất canh tác.

Ba là, diện tích tự nhiên và đất canh tác trên đầu người
ngày càng giảm do áp lực tăng dân số, sự phát triển đô thị hóa, công nghiệp hóa
và các hạ tầng kỹ thuât. Bình quân diện tích đất
canh tác trên đầu người của thế giới hiện nay chỉ còn 0,23 ha, ở nhiều quốc gia
khu vực châu Á, Thái Bình Dương là dưới 0,15 ha, ở Việt Nam chỉ còn
0,11 ha. Theo tính toán của Tổ chức Lương thực thế giới (FAO), với trình độ sản
xuất trung bình hiện nay trên thế giới, để có đủ lương thực, thực phẩm, mỗi
người cần có 0,4 ha đất canh tác.

Bốn là, do điều kiện tự nhiên,
hoạt động tiêu cực của con người, hậu quả của chiến tranh nên diện tích đáng kể của lục
địa đã, đang và sẽ còn bị thoái hóa, hoặc ô nhiễm dẫn tới tình trạng giảm, mất
khả năng sản xuất và nhiều hậu quả nghiêm trọng khác. Trên thế giới hiện có 2.000 triệu
héc-ta đất đã và đang bị thoái hóa, trong đó 1.260 triệu héc-ta tập trung ở
châu Á, Thái Bình Dương. Ở Việt Nam hiện có 16,7 triệu héc-ta bị xói mòn, rửa
trôi mạnh, chua nhiều, 9 triệu héc-ta đất có tầng mỏng và độ phì thấp, 3 triệu
héc-ta đất thường bị khô hạn và sa mạc hóa, 1,9 triệu héc-ta đất bị phèn hóa,
mặn hóa mạnh. Ngoài ra tình trạng ô nhiễm do phân bón, hóa chất bảo vệ thực
vật, chất thải, nước thải đô thị, khu công nghiệp, làng nghề, sản xuất, dịch vụ
và chất độc hóa học để lại sau chiến tranh cũng đáng báo động. Hoạt động canh
tác và đời sống còn bị đe dọa bởi tình trạng ngập úng, ngập lũ, lũ quét, đất
trượt, sạt lở đất, thoái hóa lý, hóa học đất…

Năm là, lịch sử đã chứng minh sản xuất nông nghiệp phải
được tiến hành trên đất tốt mới có hiệu quả. Tuy
nhiên, để hình thành đất với độ phì nhiêu cần thiết cho canh tác nông nghiệp
phải trải qua hàng nghìn năm, thậm chí hàng vạn năm. Vì vậy, mỗi khi sử dụng
đất đang sản xuất nông nghiệp cho các mục đích khác cần cân nhắc kỹ để không
rơi vào tình trạng chạy theo lợi ích trước mắt.

 

2 – Biến động sử dụng đất nông nghiệp

Theo quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010 của Bộ Tài nguyên và Môi
trường, diện tích đất nông nghiệp tăng từ 8.793.783 ha (năm 2000) lên 9.363.063
ha (năm 2010). Tuy nhiên, dân số nước ta cũng tăng từ 77.635.400 người (năm
2000) lên 86.408.856 người (2010). Bình quân diện tích đất nông nghiệp trên đầu
người của cả nước lại có xu thế giảm từ 0,113 ha (2000) xuống 0,108 ha (2010).
Như vậy, trong 10 năm (2000-2010), bình quân diện tích đất nông nghiệp giảm 50
m2/người, hằng năm giảm 5 m2/người. Đây là con số còn rất khiêm tốn.

Đáng báo động hơn là tình trạng suy giảm chất lượng đất nông
nghiệp do rửa trôi, xói mòn, khô hạn và sa mạc hóa, mặn hóa, phèn hóa, chua
hóa, thoái hoá lý hóa học đất, ô nhiễm… Suy thoái chất lượng đất dẫn tới việc
giảm khả năng sản xuất, giảm đa dạng sinh học và nhiều hậu quả khác. Những tác
động tiêu cực trên đây ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 50% diện tích đã và đang sản
xuất nông nghiệp, đồng thời cũng là thách thức to lớn đối với sự phát triển
nông nghiệp bền vững ở nước ta. Mặt khác, việc sử dụng đất còn lãng phí, chỉ
tính riêng ở 68 nông trường quốc doanh và 33 vùng kinh tế mới và chuyên canh
trước đây đã có trên 30.000 ha sau khi khai hoang lại bị bỏ hóa trở lại, không
đưa vào sản xuất nông, lâm nghiệp. Để sử dụng đất tiết kiệm, có hiệu quả và bền
vững cần quan tâm quản lý tốt cả về số lượng và chất lượng đất đai.

3 – Về chiến lược sử dụng đất tiết kiệm, có hiệu quả và bền
vững

Ưu tiên sử dụng đất tốt cho nông nghiệp, dành đất xấu (có khả năng sản
xuất thấp) cho các mục đích phi nông nghiệp. Điều hòa giữa áp lực tăng dân số
và tăng trưởng về kinh tế nhằm đáp ứng yêu cầu sử dụng đất bền vững. Quản lý hệ
thống nông nghiệp nhằm đảm bảo có sản phẩm tối đa về lâu dài, đồng thời duy trì
độ phì nhiêu đất. Bảo đảm phát triển tài nguyên rừng nhằm thỏa mãn nhu cầu về
thương mại, chất đốt, xây dựng và dân dụng mà không làm mất nguồn nước và thoái
hóa đất. Sử dụng đất trên cơ sở quy hoạch bảo đảm lợi ích trước mắt cũng như
lâu dài của người sử dụng đất và cộng đồng. Khi phân bố sử dụng đất cho các
ngành kinh tế quốc dân cần sử dụng bản đồ, tài liệu đất và đánh giá phân hạng
đất đai mới xây dựng, nâng cao chất lượng quy hoạch và dự báo sử dụng lâu dài.


Thực hiện chiến lược phát triển đa dạng, khai thác tổng hợp đa mục
tiêu: nông – lâm kết hợp, chăn nuôi dưới rừng, nông – lâm và chăn nuôi kết hợp,
nông – lâm – ngư kết hợp, nông lâm ngư mục kết hợp, nông ngư kết hợp… Quản lý
lưu vực để bảo vệ đất và nước, phát triển thủy lợi, giữ vững cân bằng sinh thái
nhằm duy trì sự tác động hỗ trợ lẫn nhau giữa đồng bằng và vùng đồi núi. Phát
triển các cây lâu năm có giá trị kinh tế, thương mại cao và góp phần bảo vệ đất
trên vùng đất dốc như: chè, cà-phê, cao-su, cây ăn quả. Áp dụng quy trình và
công nghệ canh tác thích hợp theo từng vùng, tiểu vùng, đơn vị sinh thái và hệ
thống cây trồng. Phát triển ngành công nghiệp phân bón và nâng cao hiệu quả sử
dụng phân bón thông qua viêc phối hợp tốt giữa phân bón hữu cơ, vô cơ, phân
sinh học, vi lượng, trên cơ sở kết quả nghiên cứu phân tích đất, đặc điểm đất
đai và nhu cầu dinh dưỡng của cây. Trong canh tác nông nghiệp, cần quan tâm
thâm canh ngay từ đầu, thâm canh liên tục và theo chiều sâu.

Hoàn thiện hê thống pháp luật, chính sách quản lý và bảo tồn tài nguyên
đất. Đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến lâm, chuyển giao tiến bộ khoa học –
kỹ thuật, giao đất, giao rừng, cho dân vay vốn phát triển sản xuất, thâm canh
nhằm xóa đói, giảm nghèo và bảo đảm an toàn lương thực. Phát động quần chúng
làm công tác bảo vệ đất. Đẩy mạnh hợp tác giữa các tổ chức trong nước, khu vực
và quốc tế trong việc thực hiện các chính sách, chương trình, dự án và kế hoạch
hành động bảo vệ và sử dụng đất tiết kiệm, có hiệu quả và bền vững.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here