Dữ liệu số về đất đai và tài nguyên môi trường là tài nguyên quan trọng cho phát triển

0
325

Đất đai, tài nguyên thiên nhiên là hữu hạn nhưng tài nguyên hữu hạn này lại là gốc để sinh ra tài nguyên vô hạn- tài nguyên số. Dữ liệu số là tài nguyên rất quan trọng để phát triển đất nước…

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của ngành tài nguyên và môi trường ngày 31/12, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho rằng, ngành tài nguyên và môi trường trong năm qua đã nỗ lực triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao nói chung và đặc biệt là nhiệm vụ chuyển đổi số của ngành nói riêng, đạt được nhiều kết quả.

Theo ông Dũng, ngành tài nguyên và môi trường đang quản lý hai loại tài nguyên rất quan trọng của quốc gia đó là các loại tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên số. Tất cả các loại tài nguyên thiên nhiên từ đất đai, địa lý, khí hậu, rừng, biển… đều có thể số hóa. Các dữ liệu số này khi sử dụng sẽ tiếp tục sinh ra. Do đó, dữ liệu số là tài nguyên rất quan trọng trong phát triển.

Ngành tài nguyên và môi trường đang quản lý hai loại tài nguyên rất quan trọng của quốc gia là các loại tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên số. Tất cả các loại tài nguyên thiên nhiên từ đất đai, địa lý, khí hậu, rừng, biển… đều có thể số hóa. Các dữ liệu số này khi sử dụng sẽ tiếp tục sinh ra.

Năm 2021, ngành tài nguyên và môi trường đã triển khai cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia. Thứ trưởng đề xuất trong năm 2022, ngành tài  nguyên và môi trường sẽ hoàn thành dứt điểm cơ sở dữ liệu này. Trong 6 cơ sở dữ liệu quốc gia ưu tiên triển khai, đến nay cơ sở dữ liệu đất đai chưa hoàn thành. Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá, đây là cơ sở dữ liệu quốc gia đồ sộ nhất, quy mô nhất và cũng khó làm nhất.

Ngành tài nguyên và Môi trường cùng với các ngành tài chính, ngân hàng có truyền thống ứng dụng công nghệ thông tin. Ngành tài nguyên và môi trường thuộc nhóm mạnh nhất trong các bộ ngành về công nghệ thông tin, đã xây dựng được nhiều hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu trong các lĩnh vực của ngành. Đây là điều kiện rất tốt để chuyển đổi số, ông Dũng nói.

Trước đây, khi công nghệ chưa sẵn sàng, hạ tầng chưa đáp ứng thì hình thành các phần mềm riêng biệt, các cơ sở dữ liệu riêng. Tuy nhiên, hiện nay, công nghệ đã sẵn sàng, lưu trữ rất rẻ, trên đám mây, đường truyền nhanh, đáp ứng tức thời. Các phần mềm chạy trên đám mây cho phép toàn quốc sử dụng chung…

Ông Dũng cho biết, trong danh mục các nhiệm vụ mà Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022 để chỉ đạo, đôn đốc triển khai, bên cạnh cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia, Bộ Tài nguyên và môi trường còn được giao chủ trì nền tảng bản đồ số quốc gia. Đây cũng là nền tảng cơ bản phục vụ cho chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, muốn quản lý được tài nguyên thì chúng ta phải biết hiện tại đang có những gì. Vì vậy, trước hết cần phải số hóa các thông tin đã có, đưa toàn bộ các đối tượng quản lý từ thửa đất, nguồn xả thải, dòng sông, con suối… trở thành dữ liệu số.

Các nguồn dữ liệu này phải gắn với dịch vụ công, gắn với các quy trình nghiệp vụ của ngành để dữ liệu được “sống” và được cập nhật. Ông Dũng cho rằng, có như vậy, dữ liệu mới có giá trị sử dụng.

Khi xây dựng bất cứ cơ sở dữ liệu nào đều phải tính ngay đến hiệu quả sử dụng. Dữ liệu phải được kết nối, chia sẻ, sử dụng. Khi có người khai thác, có hiệu quả thì sẽ tạo áp lực để các cấp thực thi tốt hơn.

Bộ Tài nguyên và Môi trường hiện nay đang có rất nhiều dữ liệu nhưng các nguồn dữ liệu này nằm rải rác ở nhiều. Do vậy cần phải sớm gom về một đầu mối, phân tích, khai thác và kết hợp với các nguồn dữ liệu tài nguyên khác để từ đó sẽ có những thông tin tri thức mới.

Nguồn: https://vneconomy.vn/du-lieu-so-ve-dat-dai-va-tai-nguyen-moi-truong-la-tai-nguyen-quan-trong-cho-phat-trien.htm

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here