Nhiều điểm mới trong xử phạt vi phạm đất đai

0
778
Theo Nghị định 91/2019/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, nhiều vi phạm có mức xử phạt tăng.
* Vi phạm chậm làm Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà
Nghị định 91/2019/NĐ-CP nêu rõ, tổ chức thực hiện dự án kinh doanh bất động sản không nộp hồ sơ để làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận cho người mua, thuê mua nhà, công trình xây dựng, người nhận chuyển quyền sử dụng đất sẽ bị phạt đến 1 tỷ đồng.
Thời gian vi phạm quy định được tính từ ngày chủ đầu tư bàn giao nhà ở, công trình xây dựng, đất cho người mua hoặc kể từ thời điểm bên thuê mua đã thanh toán đủ tiền theo thỏa thuận đến thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính; trường hợp chủ đầu tư đã khắc phục sai phạm sau thời hạn quy định tại khoản 7 Điều 26 của Luật nhà ở và khoản 4 Điều 13 của Luật kinh doanh bất động sản thì thời gian vi phạm được tính đến ngày chủ đầu tư khắc phục sai phạm.
Trường hợp trong một dự án mà chủ đầu tư vi phạm ở nhiều mức thời gian khác nhau đối với các căn hộ, công trình xây dựng, thửa đất khác nhau thì tính tiền phạt theo từng mức phạt quy định nêu trên nhưng tổng số tiền phạt không được vượt quá 1 tỷ đồng.
* Vi phạm chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp vượt hạn mức quy định
Theo Nghị định 91/2019/NĐ-CP, hành vi nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp vượt hạn mức quy định tại Điều 130 của Luật đất đai và Điều 44 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP sẽ bị phạt đến 50 triệu đồng.
Cụ thể, hành vi nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp vượt hạn mức theo quy định của pháp luật về đất đai thì hình thức và mức xử phạt như sau: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1-3 triệu đồng đối với trường hợp diện tích đất nhận chuyển quyền vượt hạn mức dưới 1 héc ta; phạt tiền từ 3-10 triệu đồng đối với trường hợp diện tích đất nhận chuyển quyền vượt hạn mức từ 1-3 héc ta; phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với trường hợp diện tích đất nhận chuyển quyền vượt hạn mức từ 3-5 héc ta; phạt tiền từ 20-50 triệu đồng đối với trường hợp diện tích đất nhận chuyển quyền vượt hạn mức trên 5 héc ta.
Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc trả lại diện tích đất đã nhận chuyển quyền vượt hạn mức do thực hiện hành vi vi phạm quy định nêu trên. Trường hợp không thực hiện được việc trả lại đất đã nhận chuyển quyền thì Nhà nước thu hồi theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 64 của Luật Đất đai.
Nghị định cũng quy định mức phạt đối với hành vi nhận chuyển quyền sử dụng đất, thuê đất không đúng quy định tại các Điều 153 và Điều 169 của Luật đất đai và Điều 39 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP.
* Vi phạm góp vốn đất nông nghiệp thực hiện dự án mà không đủ điều kiện
Cũng theo Nghị định trên, việc nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp mà không đủ điều kiện quy định tại Điều 193 của Luật đất đai sẽ bị phạt đến 300 triệu đồng.
Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc hoàn thành thủ tục để có văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với trường hợp nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án; buộc trả lại đất đối với trường hợp đã nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt.
Nguồn: http://www.gdla.gov.vn/index.php/news/Kiem-soat-quan-ly-su-dung-dat/Nhieu-diem-moi-trong-xu-phat-vi-pham-dat-dai-2637.html

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here