Chặng đường xây dựng và phát triển Khoa Tài nguyên đất và Môi trường nông nghiệp

0
378

Chặng đường xây dựng và phát triển
Khoa Tài nguyên đất và Môi trường nông nghiệp

 
TS.GVC. Huỳnh Văn Chương
Trưởng Khoa Tài nguyên đất và Môi trường nông nghiệp
 

Kính thưa các vị khách quý, Kính thưa toàn thể các thế hệ thầy cô giáo, sinh viên của Khoa Tài nguyên đất và MTNN, Trường Đại học Nông Lâm – Đại học Huế.
Nhớ ơn cội nguồn và hướng tới tương lai là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Hôm nay, trong ngày họp mặt truyền thống 45 năm lịch sử xây dựng và phát triển của Trường, 17 năm mở đào tạo trình độ Đại học ngành Quản lý đất đai (1995), 14 năm thành lập BM QLĐ (1998) và 7 năm thành lập Khoa TNĐ và MTNN (2005) mỗi người chúng ta đều hết sức tự hào nhìn lại chặng đường gian khó và vinh quang mà các thế hệ đi trước và hôm nay đã vượt qua để xây dựng Khoa Tài nguyên đất và MTNN thành một địa chỉ đào tạo và nghiên cứu khoa học có uy tín của miền Trung, Tây nguyên.
Năm 1995, Bộ trưởng Bộ GĐ và ĐT cho phép trường Đại học Nông Lâm – Đại học Huế được đào tạo bậc Đại học ngành Quản lý đất đai và cũng là một trong những trường đầu tiên của miền Trung và Tây nguyên xây dựng và đào tạo ngành học này nhằm đạt được chủ trương chung của Bộ GD và ĐT và nhà trường là đa dạng hóa ngành nghề đào tạo và đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho xã hội. Thời điểm này (1994) ngành Quản lý đất đai đã có cơ quan chủ quan riêng là Tổng cục Địa chính và cơ quan quản lý chuyên môn đến địa phương và cần nhu cầu cán bộ từ cấp phường xã đến Trung ương rất lớn. Thế hệ sinh viên đầu tiên chính qui ngành Quản lý đất đai của trường nhập học năm 1995 gồm 37 sinh viên thuộc khóa 30 do Thầy giáo Huỳnh Văn Chương làm chủ nhiệm lớp (giai đoạn chuyên ngành, giai đoạn cơ bản học chung với Đại học Khoa học – ĐHH). Lúc đó do nguồn cán bộ giảng dạy ngành còn rất ít (trên cả nước) nên Trường và Khoa Nông học (do PGS. TS. Trần Văn Minh trưởng Khoa) giao công tác đào tạo ngành Quản lý đất đai bước đầu thuộc Bộ Môn Khoa học đất và Phân bón do NGƯT Hoàng Văn Công làm trưởng BM. Những thế hệ giảng viên đầu tiên được nhận ở lại Trường để tiếp tục đi đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn tại Hà Nội và tham gia xây dựng và phát triển ngành lúc đó là Thầy giáo Huỳnh Văn Chương về BM Khoa học đất và Phân bón năm 1996, Thầy Trần Thanh Đức, Thầy Lê Quang Sự, Thầy Đoàn Ngọc Hà và nhiều Thầy Cô khác về BM năm 1998. Đến năm 1998, để đáp ứng yêu cầu có BM chuyên trách phụ trách ngành Quản lý đất đai, Nhà trường đã thành lập BM QLĐĐ trực thuộc Khoa Nông học và Thầy giáo TS Hồ Kiệt từ Khoa Lâm nghiệp được chuyển về Khoa Nông học làm trưởng BM QLĐĐ cùng với một số Thầy Cô từ BM Khoa học đất và Phân bón (ở lại trường giai đoạn 1996-1998) chuyển sang và một số giảng viên được tuyển dụng 1998 – 1999 và giảng viên kiêm nhiệm đang công tác tại các phòng ban của Trường Đại học Nông Lâm và Đại học Huế gồm Thầy giáo, GVC Lê Minh Khôi (VP Đảng ủy ĐHH), Thầy giáo GVC. Nguyễn Xuân Hào (phòng HCTH), Thầy giáo.GVC. Trần Văn Nguyện (Phòng Giáo vụ và Trung tâm chuyển giao khoa học NLN), Thầy giáo GVC. Đinh Văn Thóa (Phòng Giáo vụ), Thầy giáo Trần Văn Cư (Trung tâm chuyển giao khoa học NLN). Trong số đó có Thầy Lê Minh Khôi được bổ nhiệm làm phó trưởng BM, Thầy Huỳnh Văn Chương phụ trách công đoàn BM. Tại thời điểm những năm 1996-2000 khóa 30, 31 và 32, nhiều môn học do thiếu giáo viên nên phải mời cán bộ giảng dạy từ Khoa Quản lý ruộng đất của Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội giảng dạy như Cô Nguyễn Thị Vòng, Đào Châu Thu, Thầy Nguyễn Thanh Trà, Hoàng Anh Đức, Nguyễn Văn Quân, Trần Trọng Phương, Nguyễn Đình Công… việc mời giảng viên thỉnh giảng nhằm đặt được 2 mục tiêu là giảng dạy sinh viên và bồi dưỡng cán bộ giảng dạy cho ngành học mới của Trường và điều này đã mang lại rất nhiều kết quả tốt và tạo mối quan hệ giữa hai khoa cho đến ngày hôm nay. Nhân dịp này, Khoa TNĐ và MTNN trân trọng cảm ơn sự chia sẻ và giúp đỡ những ngày đầu đào tạo ngành QLĐĐ của quí Thầy Cô từ trường Đại học Nông nghiệp, Hà Nội.
Nhờ đội ngũ sẵn có của Trường trước đó và lực lượng cán bộ giảng viên của BM Quản lý đất đai, BM Khoa học đất và Phân bón được đào tạo trong và ngoài nước nên đến năm 2002, Trường Đại học Nông Lâm Huế được Bộ GĐ và ĐT cho phép mở đào tạo bậc Thạc sĩ chuyên ngành Quản lý đất đai trên cơ sở mượn mã ngành Khoa học đất thống nhất trên toàn quốc vì lúc đó chưa có mã ngành đào tạo bậc Thạc sĩ QLĐ và các khóa Thạc sĩ bắt đầu từ đó cho đến nay (đến năm 2008 có mã ngành Thạc sĩ Quản lý đất đai chung toàn quốc là 62.62.16 và Tiến sĩ là 62.62.15.16).
Do lực lượng CBGV được đào tạo về trình độ và số lượng tăng, do nhu cầu nguồn nhân lực của xã hội về lĩnh vực Quản lý đất đai cũng tăng lên, đồng thời nhờ sự quyết tâm của tập thể Bộ môn và Trường Đại học Nông Lâm, sự quan tâm của Đại học Huế, Khoa Tài nguyên đất và Môi trường nông nghiệp đã được thành lập theo Quyết định số 35/QĐ-ĐHH-TCNS ngày 21/01/2005 của Giám đốc Đại học Huế trên cơ sở Bộ môn Khoa học đất & Phân bón (thành lập năm 1967) do cô giáo TS. GVC Trần Thị Thu Hà làm trưởng BM và bộ môn Quản lý đất đai (thành lập năm 1998) do Thầy TS. GVC Hồ Kiệt làm trưởng BM hợp thành Khoa TNĐ và MTNN và Thầy giáo. TS Lê Thanh Bồn được bổ nhiệm làm Trưởng Khoa, Thầy giáo Lê Minh Khôi làm phó khoa nhiệm kỳ đầu tiên từ năm 2005-2009, giai đoạn này Thầy giáo TS Kiệt chuyển công tác lên Đại học Huế làm Trưởng ban nhưng vẫn tham gia công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học tại Khoa và làm Trưởng BM Trắc địa – Bản đồ thuộc khoa. Giai đoạn 2009 đến nay, Trưởng Khoa là Thầy giáo TS. GVC Huỳnh Văn Chương, Phó Khoa là Thầy giáo Lê Minh Khôi, đến năm 2012 do Thầy Lê Minh Khôi nghỉ hưu, Khoa đã được Nhà trường bổ nhiệm thêm 2 phó Khoa là Cô giáo TS. GVC Hoàng Thị Thái Hòa và Thầy giáo TS. GV Nguyễn Hữu Ngữ. Như vậy cơ cấu tổ chức nhân sự của Khoa hiện nay là khá hoàn thiện và chặt chẽ. Khoa có 3 BM gồm BM Công nghệ Quản lý đất đai (TS.GVC Hồ Kiệt trưởng BM), BM Khoa học đất và Môi trường (TS.GVC. Hoàng Thị Thái Hòa trưởng BM), BM Qui hoạch và Kinh tế đất (Thạc sĩ. GVC. Trần Văn Nguyện trưởng BM) và 1 Trung tâm Tư vấn Quản lý TNĐ và MTNT (TS.GVC Huỳnh Văn Chương, Giám đốc), 02 phòng thí nghiệm chuyên sâu và nhiều trang thiết bị hiện đại đã được đầu tư để phục vụ đào tạo Đại học, sau Đại học và nghiên cứu khoa học.
Cho phép tôi được điểm qua 1 số con số ấn tượng trong đào tạo và nghiên cứu khoa học, phát triển đội ngũ của khoa suốt chặng đường từ khi thành lập đến nay.
1. Về đào tạo:
– Về số lượng sinh viên: Từ khóa chính qui đầu tiên ngành Quản lý đất đai là Khóa 30 chỉ có 37 sinh viên đến nay số lượng sinh viên của Khoa hằng năm là gần 300 sinh viên (chính qui, VLVH, Cao đẳng) tăng gấp 10 lần và tổng số sinh viên đã tốt nghiệp và đang đào tạo của Khoa tổng số là 2953 sinh viên và là khoa có số lượng sinh viên đông nhất trường (cả hệ VLVH).
Về ngành nghề đào tạo: từ lúc chỉ có 1 ngành Đào tạo là QLĐĐ đến nay Khoa tổ chức đào tạo 3 chuyên ngành gồm Quản lý đất đai, Khoa học đất và Quản lý thị trường bất động sản. Khoa dự định giai đoạn 2012-2015 sẽ tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất và đội ngũ để mở chương trình đào tạo về Tài nguyên nước, Tài nguyên và Môi trường và các chuyên ngành Trắc địa địa chính, Địa chinh – Quản lý đô thị trong thời gian đến.
– Về loại hình đào tạo:  từ chỗ chỉ có đào tạo chính quy, hiện nay có các loại hình đào tạo gồm chính qui, hệ VLVH, Cao đẳng và Cao đẳng liên thông lên Đại học, văn bằng 2 Đại hoc Quản lý đất đai.
– Về trình độ đào tạo: năm 1995 chỉ có 1 bậc đào tạo là Đại học, đến nay điều đáng tự hào là Khoa đã được Bộ giáo dục và Đào cho phép đào tạo trình độ Thạc sĩ năm 2002 và là 1 trong 2 trường đầu tiên của Việt Nam được cho phéo đào tạo trình độ Tiến sĩ chuyên ngành Quản lý đất đai từ năm 2012 và bắt đầu gọi chiêu sinh khóa đầu tiên vào tháng 6 năm 2012. Số lượng học viên cao học từ chỗ chỉ có 2-4 sinh viên mỗi khóa đến nay trung bình mỗi năm là 30-40 học viên tăng hơn 10 lần. Khoa đang tiếp tục chú trọng đẩy nhanh việc hoàn thiện hệ thống khung chương trình đạo tạo các bậc học, xây dựng các năng lực cho sinh viên và chuẩn đầu ra đáp ứng nhu cầu xã hội.
2. Về nghiên cứu khoa học và đào tạo đội ngũ:
– Số đề tài nghiên cứu: Sau hơn 7 năm thành lập Khoa đến nay đã có 10 đề tài cấp Bộ, cấp ĐHH, nhiều đề tài liên kết, đề tài nhánh cấp Nhà nước, hợp tác trong và ngoài nước, và 35 đề tài cấp Trường của CBGV. Khoa đang tiếp tục tăng cường việc hợp tác và NCKH, xem NCKH phải phục vụ tốt cho việc đào tạo sau Đại học và hợp tác quốc tế.
NCKH sinh viên và học viên sau ĐH: Khoa đã chú trọng đến công tác NCKH của sinh viên và đến nay đã có hơn 40 đề tài NCKH của sinh viên, nhiều đề tài NCKH sinh viên đạt chất lượng tốt, hơn 150 luận văn thạc sĩ của học viên cao học có chất lượng tốt. Nhiều học viên cao học sau khi tốt nghiệp tiếp tục phát triển ý tưởng nghiên cứu để làm nghiên cứu sinh và công bố kết quả nghiên cứu trên các tạp chí.
– Số bài báo và giáo trình công bố: Số công trình NCKH đã công bố trên các tạp chí có uy tín trong và ngoài nước của khoa là hơn 100 bài báo đã xuất bản, 8 giáo trình và 15 bài giảng phục vụ các môn học chuyên ngành Quản lý đất đai và Khoa học đất. Phấn đấu đến năm 2015, 70% các môn học có giáo trình và bài giảng chuẩn.
– Phát triển đội ngũ nhà giáo: Sau 7 năm thành lập Khoa, đến nay Khoa đã có 1 đội ngũ trên 30 CBGV, từ chỗ chỉ có rất ít giảng viên có trình độ sau đại học, đến nay Khoa đã có 1 đội ngũ trên 75% CBGV có trình độ sau ĐH, trong đó có 6 tiến sĩ và 4 NCS tiến sĩ đang học tập ở nước ngoài. Gần 100% cán bộ trẻ đã và đang theo học bậc thạc sĩ và NCS. Phấn đấu đến năm 2015, giảng viên lên lớp lý thuyết phải có học vị Thạc sĩ trở lên và tiếp tục qui hoạch tốt và tạo điều kiện tối đa để phát triển đội ngũ chuyên môn của khoa từ nay đến 2020 nhất là nguồn Tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư.
– Công nghệ thông tin phục vụ đào tạo và NCKH – hợp tác: Khoa đã có 1 trang web hoàn thiện phục vụ tích cực cho công tác đào tạo, hợp tác và NCKH cho CBGV, sinh viên và bạn đọc với số lượng truy cập hằng ngày cao nhất trường (https://tndmt.huaf.edu.vn). 100% CBGV sử dụng email để trao đổi công việc và chia sẽ thông tin với sinh viên và đồng nghiệp hằng ngày. Trang web Khoa sắp đến sẽ là nơi để công bố giáo trình, bài giảng điện tử, công bố các công trình NCKH và các hoạt động khác của khoa một cách nhanh và thiết thực nhất cho bạn đọc.
Với những thành tích trên, Khoa đã được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD và ĐT, của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, của Công đoàn ngành Giáo dục Việt Nam và nhiều giấy khen của ĐHH cho tập thể và cá nhân, nhiều năm liên là tập thể lao động xuất sắc.
Những thành tựu trên đây là kết quả của sự nỗ lực phấn đấu, là công lao của tất cả các cán bộ công nhân viên chức và các thế hệ sinh viên của Khoa TNĐ và MTNN. Cán bộ và sinh viên Khoa TNĐ và MTNN cũng không bao giờ quên các thế hệ lãnh đạo nhà trường đã thúc đẩy và đặt bút xây dựng ngành học như PGS. TS. NGƯT Trần Văn Minh, PGS.TS.NGƯT Nguyễn Minh Hiếu, thế hệ lãnh đạo BM và Khoa như NGƯT Hoàng Văn Công, TS.GVC Hồ Kiệt, TS. GVC. NGƯT Lê Thanh Bồn, Thầy giáo GVC. Lê Minh Khôi, Cô giáo TS. Trần Thị Thu Hà, Thầy giáo TS. Trần Đức Dục, TS. Huỳnh Văn Chương đã làm việc quên mình vì tập thể, đã trăn trở, tìm kiếm mọi biện pháp để xây dựng Khoa TNĐ và MTNN được hình thành và trở thành thành một đơn vị vững mạnh như ngày nay.
Nói đến thành tựu của Khoa TNĐ và MTNN, không thể chỉ nói về thành tích của những cán bộ giảng viên đang công tác tại Khoa, mà còn phải nói đến sự thành đạt của các cán bộ trước đây đã từng công tác tại Khoa, những cựu sinh viên đã được đào tạo từ Khoa. Chúng tôi vô cùng tự hào vì có những cán bộ, sinh viên Khoa TNĐ và MTNN, trường Đại học Nông Lâm Huế dù tuổi đời còn trẻ nhưng nay đã trở thành những nhà quản lý, nhà chuyên môn, nhà khoa học giỏi và cống hiến cho xã hội. Có thể hãnh diện nói rằng các thế hệ cán bộ, sinh viên Khoa TNĐ và MTT đã thể hiện tài năng, trí tuệ, cống hiến cho xã hội trong mọi lĩnh vực, ở mọi miền đất nước, nhất là khu vực miền Trung và Tây nguyên.
Tuy nhiên, khó khăn, thách thức của Khoa vẫn còn rất nhiều, bên cạnh sự quyết tâm và nỗ lực của chính CBGV Khoa, chúng tôi luôn mong muốn có được sự động viên, chia sẻ và đóng góp từ phía các cơ quan quản lý chuyên môn tại các tỉnh trên địa bàn miền Trung – Tây nguyên, từ phía ĐHH, Trường ĐHNL và đặc biệt là của các thế hệ sinh viên đã ra trường cũng như đang ngồi trên ghế nhà trường.
17 năm đào tạo ngành QLĐĐ, 6 năm đào tạo ngành KHĐ, 45 năm thành lập BM Nông hóa – Thổ nhưỡng, 14 năm thành lập BM QLĐĐ và 7 năm xây dựng và phát triển của Khoa TNĐ và MTNN là một khoảng thời gian không dài, nhưng Khoa TNĐ và MTNN đã bước đầu xây dựng được một nền tảng vững chắc, khẳng định được vị thế trong xã hội và xác định được phương hướng phát triển lâu dài, ổn định và bền vững, mô hình đào tạo khép kín từ trình độ Đại học, Thạc sĩ, Tiến sĩ và dần tiến đến lựa chọn một số môn học chuyên môn có thể giúp sinh viên học bằng ngôn ngữ tiếng Anh trong định hướng 2015-2020.  Phương châm phát triển của khoa hiện nay là: “Nâng cao chất lượng đào tạo là tiên quyết, thúc đẩy nghiên cứu khoa học và hợp tác là sức sống”.
Một lần nữa kính chúc quí vị khách quí, toàn thể CVGV và sinh viên qua các thế hệ dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và thành công trong sự nghiệp và luôn hướng về mái trường và khoa thân yêu của chúng ta nơi đã để lại rất nhiều kỷ niệm thời công tác, thời sinh viên.

Trân trọng cảm ơn!                                     

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here