ĐÀO TẠO THEO TÍN CHỈ: KINH NGHIỆM TỪ HỆ THỐNG GIÁO DỤC CỦA CỘNG HÒA LIÊN BANG ĐỨC

0
334

1. Khái
quát về hệ thống giáo dục của CHLB Đức

Một điểm rất đặc biệt là nước Đức có diện tích tự
nhiên và dân số rất gần giống với Việt Nam chúng ta, với
diện tích 356.957 km2 và dân số gần 82,5 triệu người (2007) trong đó
có gần 7,5 triệu người nước ngoài, nhưng thu nhập và nền kinh tế hiện tại của
Đức thì hơn ta rất nhiều lần (đứng thứ 3 thế giới sau Mỹ và Nhật). Nước Đức gồm
có 13 bang và 3 thành phố trực thuộc đó là Berlin,Hamburg và Bremen. Nói về nền giáo dục ở Đức, chúng ta
phải bắt đầu ngay từ thuở còn bé cho đến khi tốt nghiệp đại học. Tất cả các
giai đoạn liên quan với nhau một cách chặt chẽ và điều này cũng ảnh hưởng rất
lớn đến cách đào tạo ở bậc Đại học nhất là đào tạo theo tín chỉ và lấy người
học làm trung tâm. “Học vấn
chỉ là chất liệu thô, quan trọng là phải biết ứng dụng, phát triển, và biến nó
thành những hoạt động thực tế ngay từ trường đại học”
đó là tiêu chí
của nhiều trường đang đi đầu trong lĩnh vực giáo dục ở Đức như Dresden,
Humboldt-Berlin, Bonn,…

Mặc dù vẫn tồn tại một số nét khác biệt
trong giáo dục giữa các bang (vì chính sách giáo dục cụ thể do mỗi bang tự quyết
định) nhưng về cơ bản các bang của Đức đều có mô hình đào tạo như sau:

Trẻ em 3 tuổi bắt đầu đi học mẫu giáo,
các trường mẫu giáo (kindergarten) ở Đức không có sự khác nhau nhiều và con em
đến 3 tuổi thường được gửi đến trường mẫu giáo gần nhà hoặc gần nơi làm việc để
tiện cho việc đưa đón. Sau đó, bắt đầu đi học bắt buộc khi lên 6 tuổi; từ lớp 1
đến lớp 4 tất cả học sinh học cùng một chương trình tại các trường tiểu học
được gọi là Grundschule. Sau khi học hết lớp 4, tuỳ theo khả năng của từng học
sinh cũng như nguyện vọng của gia đình học sinh sẽ được phân loại để theo học
ba loại trường trung học phổ thông khác nhau:


Loại trường thứ nhất có tên gọi là Hauptschule (từ lớp 5 đến lớp 9):
trường này dành cho những học sinh yếu,
có sự tiếp thu chậm và thích đi chuyên vào các nghành nghề hơn là học lý thuyết.
Tại đây học sinh học đến lớp 9 là có thể ra học nghề theo mình thích. Chương trình
Hauptschule kéo dài 6 năm, học sinh tốt nghiệp sẽ nhận chứng chỉ tốt nghiệp.
Nếu sau khi tốt nghiệp, trình độ học sinh có khả năng tiếp thu tốt hơn thì được
nhà trường đề nghị chuyển tiếp lên trường
Realschule.


Loại trường thứ hai có tên gọi là Realschule (từ lớp 5 đến lớp 10):
dành cho các học sinh có trình độ khá
hơn học sinh ở trường Hauptschule. Các môn học ở trường này cũng có chất lượng
cao và phong phú hơn so với chương trình học tại trường Hauptschule. Học sinh
tại trường Realschule sẽ tốt nghiệp sau khi học xong lớp 10. Tương tự như ở
trường Hauptschule, học sinh khá cũng sẽ được nhà trường tự động chuyển tiếp lên
bậc cao hơn, đó là trường Gymnasium. Học sinh Realschule muốn vào đại học thì
có thể qua đường Gymnasium. Nếu không, sau lớp 10, học sinh ở Realschule có thể
theo học ở một trường dạy nghề (Fachschule) với hệ 12 năm. Sau khi tốt nghiệp,
học sinh tại đây chỉ có thể vào học cao đẳng (Fachhochschule), không thể đi thẳng
được vào đại học (University). Muốn vào đại học, sinh viên cần có bằng tốt
nghiệp ở trình độ cao đẳng.


Loại trường thứ 3 có tên gọi là Gymnasium (từ lớp 5 đến lớp 13):
trường này dành cho những học sinh giỏi,
có khả năng tiếp thu nhanh và học tập tốt. Tại đây, học sinh được đào tạo với
kiến thức chất lượng, trình độ khá cao hơn so với hai trường nói trên.
Gymnasium thường bắt đầu từ lớp 5 và sau 13 năm mới tốt nghiệp để lấy bằng tốt
nghiệp PTTH (Abitur). Học sinh Gymnasium thì có thể vào thẳng các trường đại
học nào mà họ thích, nếu số học sinh ghi danh không quá cao. Nếu số lượng ghi
danh quá nhiều so với số ghế đại học, học sinh được tuyển chọn theo số điểm tốt
nghiệp phổ thông, từ cao nhất trở xuống. Học
sinh sẽ chuẩn bị cho kỳ thi tú tài trong năm học lớp 12 và 13 ở trường
Gymnasium, tham gia một số các khóa học trong 3 lĩnh vực; toán và các khoa học,
ngôn ngữ và nghệ thuật, và lịch sử và các môn khác.

Các trường Đại học và Cao đẳng: Cũng như tất cả các trường đại học khác trên thế
giới, các trường đại học ở Đức là nơi cấp bằng cử nhân, kỹ sư, thạc sỹ và tiến
sỹ là bằng cấp cao nhất được cấp tại các trường đại học. Những người có bằng tú
tài (tức là trường Gymnasium) sẽ được nhận vào học đại học hoặc cao đẳng.

Các trường Ðại học Tổng hợp (Universitaeten):
với loại trường này thì nguyên tắc về “sự thống nhất trong nghiên cứu và
giảng dạy” luôn được tuân thủ. Từ trước đến nay loại trường này vẫn đóng
vai trò nòng cột của ngành Ðại học Ðức.

Các trường Ðại học thực hành (chuyên ngành) chương trình đào tạo được định hướng theo thực tiễn, trau
dồi kiến thức nghề nghiệp. Các trường này ngày càng trở nên hấp dẫn và thu hút
đông đảo mọi người. Do chương trình đào tạo được tổ chức, sấp xếp chặt chẽ nên
thời gian học tập được rút ngắn hơn. Các ngành Kỹ thuật, Tin học, Mỹ thuật công
nghiệp và Nông nghiệp là các ngành được đào tạo tại các trường Ðại học thực
hành.

Qua hệ thống giáo dục của nước Đức, có vài nhận xét
như sau:

– HTGD của Đức có một ưu điểm lớn là đã định hướng
được nghề nghiệp cho học sinh từ rất sớm, căn cứ vào khả năng học tập
và thiên hướng của học sinh. Tránh được sự quá tải trong học tập lý thuyết
với những học sinh có thiên hướng thích thực hành. Đồng thời nó cũng mở ra cơ
hội học tập suốt đời, bình đẳng cho mọi người. Đây cũng chính là ưu điểm mà nền
giáo dục ở VN đang cố gắng thực hiện đó là sự phân luồng học sinh vào các bậc
học phù hợp với khả năng, tránh việc chen nhau thi và mong được vào đại học.

– Học tập là bắt buộc của mỗi người cho đến hết 18
tuổi, không học để chuẩn bị cho bậc đại học thì phải học nghề và như vậy mỗi
công dân sau 18 tuổi đều có một nghề trong tay để vào đời.

2. Đào tạo
theo tín chỉ: kinh nghiệm từ các trường ĐH của CHLB Đức

Bốn năm làm nghiên cứu sinh Tiến Sỹ đã cho tôi nhiều
kinh nghiệm trong việc học tập và xâm nhập vào hệ thống đào tạo ĐH và sau ĐH ở
nuớc Đức. Ở đây tôi chỉ bàn luận một số vấn đề liên quan đến đào tạo ĐH theo
tín chỉ ở các trường ĐH và có thể góp phần như bài học của chúng ta đang trong thời
kỳ bắt đầu đào tạo theo học chế tín chỉ.

    2.1 Kỳ học
của sinh viên ĐH

Một năm học được sắp xếp và tiếp nhận đầu vào thành
hai học kỳ. Học kỳ mùa đông (Winter semester) bắt đầu vào tháng 09 hoặc tháng
10 và học kỳ mùa hè (Summer semester) được bắt đầu vào tháng 03 hoặc tháng 04.
Tuỳ theo khoá học và ngành học sinh viên có thể bắt đầu vào học từ học kỳ mùa
hè hoặc học kỳ mùa đông. Tất cả các khoá học, tuỳ thuộc vào ngành học, mà thời
gian học tập được kéo dài từ 8 đến 12 học kỳ. Giai đoạn cơ sở là giai đoạn thu
nhận các kiến thức chuyên môn cơ bản và tập làm quen với những công việc mang
tính khoa học. Kết thúc giai đoạn này, sinh viên đều phải trải qua kỳ thi kết
thúc giai đoạn. Chỉ những người trúng tuyển trong kỳ thi này mới đủ điều kiện
chuyển lên giai đoạn hai là giai đoạn học sâu thêm về kiến thức cơ sở và đi sâu
về chuyên ngành. Và trên thực tế, sinh viên rất khó để vượt qua giai đoạn này
và thường phải kéo dài thời gian học hoặc phải chuyển trường, chuyển ngành học có
trình độ thấp hơn và điều này lý giải cho việc đầu vào ĐH không quá khó nhưng
đầu ra rất thắc chặc và chất lượng đầu ra là rất cao, sinh viên ra trường là có
thể làm việc được ngay, ít khi phải đào tạo lại.

Sinh viên (SV) tự quyết định số môn học ngay từ đầu
mỗi kỳ học thông qua việc tư vấn của hội đồng cố vấn học tập của khoa hoặc
ngành học, để tích luỹ một số tín chỉ nhất định và thông thường việc này rất
quan trọng và quyết định thời gian học tại trường dài hay ngắn. Nếu đăng ký quá
nhiều môn học, SV sẽ không đủ thời gian và sức lực, vì mỗi môn học đòi hỏi một
số giờ lên lớp và thời gian chuẩn bị bài ở nhà là rất lớn. Bắt đầu môn học mới,
SV bắt buộc phải đến lớp buổi đầu để đăng ký môn học với giáo sư, nghe thông
báo qui chế học tập và thi cử và mỗi môn học đều có qui định riêng về số giờ
lên lớp bắt buộc, trình bày thảo luận, kiểm tra,… không áp dụng chung cho tất
cả các môn học như ở ta, và điều này theo tôi là hợp lý hơn với cách quản lý
sinh viên lên lớp hiện nay của chúng ta, có nhiều sinh viên không đến đăng ký
môn học, không tham gia làm các bài kiểm tra trên lớp, nhưng về qui chế của
chúng ta là vẫn được thi, và như vậy giảng viên không có quyền quyết định điều
kiện dự thi môn học mà họ đảm nhiệm đối với mỗi SV.

    2.2 Vai trò
của giảng viên đảm nhiệm môn học khi đào tạo theo tín chỉ

Khi đảm nhận môn học, bắt buộc GV phải chuẩn bị đề
cương chi tiết môn học, trong đó nội dung môn học, mục tiêu môn học, phương
pháp giảng dạy, phương pháp đánh giá môn học và cách thi cử, phần nội dung nào
bắt buộc sinh viên phải đến lớp, phần nào tuỳ chọn tự học, học theo tài liệu
hay giáo trình nào,… là những nội dung quan trọng nhất phải có và được thông
tin lên trang Web của Khoa để sinh viên tham khảo và quyết định đăng ký. Tất cả
nội dung của đề cương đều phải được thông qua trưởng môn học (thông thường mỗi
môn học có 2-3 giảng viên) và Bộ môn quản lý chuyên môn.

Khi có đủ số sinh viên đăng ký môn học, giảng viên sẽ
nhận được thông báo qua email hoặc bằng fax về thời gian, địa điểm giảng dạy
của giáo vụ khoa và điềư này rất ít khi bị thay đổi trong cả kỳ học, và thông
thường mỗi Khoa có một số giảng đường cố định nên ít khi bị động và thay đổi
như các trường Đại học của ta thường xảy ra.

Mỗi giảng viên giảng chính môn học thường có một trợ
giảng để chuẩn bị các công việc trước khi vào học, giám sát sinh viên, hướng
dẫn thực tập, kiểm tra. Đối với chúng ta, theo tôi trợ giảng có thể là các sinh
viên vừa ở lại trường hoặc là các học viên cao học, nghiên cứu sinh. Có như vậy
mới có cơ hội để những cán bộ trẻ, các nghiên cứu sinh, học viên cao học có
điều kiện làm quen và tham gia công tác nghiên cứu, giảng dạy và phù hợp với
qui chế đạo tạo sau ĐH hiện nay.

Điểm môn học do GV giảng dạy quyết định. Điểm cuối
cùng của môn học là tổng hợp điểm của các bài kiểm tra trên lớp, các bài trình
bày, các bài thực tập (nếu có) và bài thi cuối cùng. Đề thi do giảng viên trực
tiếp giảng dạy ra đề theo nội dung bộ câu hỏi đi kèm với đề cương môn học đã
được duyệt, và đề thi do giảng viên trực tiếp quản lý và chịu trách nhiệm trước
khoa và trường.

    2.3 Phương
pháp dạy và học trên lớp ở các trường ĐH của Đức

Việc dạy và học trên lớp chủ yếu do giảng viên phụ
trách môn học và sinh viên thống nhất với nhau và tự chịu trách nhiệm, ít có sự
can thiệp và giám sát nhiều từ phòng giáo vụ, vì tất cả đã nắm chắc qui chế đào
tạo khi vào trường.

Thường mỗi môn học được bố trí một giảng đường cố
định, và các phòng học đã được trang bị đầy đủ trang thiết bị giảng dạy như máy
chiếu, bảng cuộn, video. Nên giảng viên chỉ có nhiệm vụ chuẩn bị bài giảng thật
tốt, thật hay để lên lớp, không phải lo nghĩ ngày mai đến lớp có máy chiếu, có
overhead để dạy hay không? Và đây cũng là nguyên nhân làm GV của ta ngại chuẩn
bị bài giảng điện tử, giảm đi động lực rất nhiều.

Về cơ bản, các buổi giảng bài trên lớp của GV là các
buổi đối thoại giữa SV và GV nên làm cho không khí lớp học rất năng động, và SV
đến lớp học để lấy kiến thức nhiều hơn là học để thi như nhiều SV ở ta. Vì vậy
nếu bài giảng của giảng viên không làm mới hằng năm, không có nhiều thông tin bổ
ích, thì rất dễ gây nhàm chán cho SV.

Mỗi môn học, có thể có thời gian bắt buộc đến lớp và
thời gian tự chọn để tự đọc tài liệu, nhưng như tôi đã trình bày ở trên, bắt
buộc SV phải đến đăng ký hoặc đăng ký qua mạng môn học ở buổi đầu tiên và phải
tham gia các bài kiểm tra trên lớp và các bài trình bày thì mới được thi kết
thúc môn, việc này hiện nay chúng ta đang quản lý nhìn tưởng như rất chặc chẽ nhưng
thực ra lại ít hiệu quả và sinh viên không có thay đổi nhiều trong động cơ học
tập. Thường việc điểm danh từng buổi học là không cần thiết ở tất cả các trường
ĐH ở Đức. Nói một cách khác, việc có mặt thường xuyên trên lớp không phải là
nghĩa vụ của sinh viên mà tuỳ vào nội dung và sự hấp dẫn của bài giảng trên lớp
của giảng viên mới là điều kiện tiên quyết.

Không có trường nào qui định cụ thể thời gian tự học
của SV, nhưng việc này thực ra lại thấy rất rõ thời gian tự học thông qua số
bài và số câu hỏi mà GV giao cho SV tự đọc và chuẩn bị báo cáo, trình bày ở nhà.
Vì vậy nếu đăng ký nhiều môn không hợp lý trong một kỳ, thì khả năng theo đuổi
các môn là rất khó. Vì khi lên lớp thì bắt buộc sinh viên phải hiểu vấn đề đã
chuẩn bị để thảo luận, nếu không dành thời gian chuẩn bị ở nhà thì bản thân SV
thấy ngại khi đến lớp và đánh giá của  GV
với SV đó cũng sẽ không cao.

    2.4 Phương
pháp thi và chấm thi hết môn học

Giảng viên phụ trách môn học sẽ quyết định hình thức
thi và phương pháp thi hết môn của sinh viên có thể là thi vấn đáp, thi viết,
trình bày bài luận,… Giảng viên được toàn quyền tự ra đề, tự coi thi và chấm
thi. Đề thi hầu hết là không được mang theo tài liệu vào phòng thi và có tính
suy luận cao. Bài thi không cần rọc phách, sinh viên khi tham gia thi chỉ ghi
mã số thẻ sinh viên và mọi giao dịch với sinh viên, công bố điểm thi đều thông
qua mã số này, tuyệt đối không công bố điểm theo tên của sinh viên, điều này
được cho là tiết lộ thông tin cá nhân của người học và không được phép.

Điều kiện để được dự thi hết môn là do GV phụ trách
môn học tự quyết định, tuỳ vào thời lượng lên lớp bắt buộc, bài kiểm tra, bài
trình bài, nội dung thảo luận trên lớp để quyết định điều kiện dự thi, thường
là điểm thi hết môn chiếm 50-70% tổng số điểm, còn lại là điểm của các bài kiểm
tra và bài trình bày. Nói chung, đối với nền giáo dục của Đức, trách nhiệm và
quyền của giáo sư, GV là rất lớn, và họ tự chịu trách nhiệm trước nhà trường, pháp
luật và nhà nước.

2.5 Thời gian kiến tập và thực tập tốt nghiệp của mỗi
sinh viên

            Tất cả SV trong giai đoạn học chuyên
ngành đều phải tham gia hai đợt đi thực tế là kiến tập và thực tập. Thời gian
kiến tập sinh viên chủ động lên kế hoạch (không đi theo nhóm và lớp như chúng
ta) và được sự đồng ý của giáo sư hướng dẫn. Thưòng thời gian kiến tập kéo dài từ
2 tuần đến 1 tháng. SV về các viện nghiên cứu, các công ty nhưng chủ yếu là
quan sát và thu thập thông tin để viêt báo cáo. Ngược lại thời gian thực tập
tốt nghiệp thường là vào kỳ cuối cùng của khoá học và cũng phải được sự đồng ý
của giáo sư hướng dẫn. SV chủ động thời gian và tự tìm kiếm viện nghiên cứu hay
công ty, cơ quan nhà nước phù hợp để đăng ký thực tập và lúc này cần phải tham
gia vào qui trình thực tế của công ty hay viện nghiên cứu như là một cán bộ làm
việc thực thụ và phải nắm bắt được các thông tin mới. Kết thúc đợt thực tập là
luận án tốt nghiệp, được giáo sư hướng dẫn chấm và cho điểm để đủ điều kiện tốt
nghiệp.

Một điều rất đặc biệt là các viện nghiên cứu, các
công ty và các cơ quan nhà nước của Đức rất sẵn sàng nhận sinh viên đến thực
tập và có thể được hỗ trợ lương và được làm việc như một nhân viên của công ty.
Điều này vừa thể hiện trách nhiệm và quyền lợi của các cơ sở nhận lao động và
có luật của nhà nước qui định cụ thể. Vì vậy việc liên kết giữa các viện nghiên
cứu, các công ty với các trường ĐH là rất chặc chẽ. Đối với các trường ĐH ở VN
chúng ta, việc này có thể nói là còn rất mờ nhạt, thậm chí các viện, các công
ty hay các cơ quan nhà nước còn ngại nhận sinh viên đến thực tập, kiến tập và
chủ yếu nhận cho có lệ. Trong khi sản phẩm đào tạo từ các trường ĐH chính là
nguồn nhân lực mà các viện, các công ty, các cơ quan nhà nuớc sẽ tuyển dụng.

    2.6 Thay
giáo viên chủ nhiệm bằng hội đồng cố vấn học tập

Việc đào tạo theo tín chỉ ở Đức cũng vì thế mà không
còn khái niệm lớp học cho ngành học, khoá học mà chỉ còn khái niêm là lớp học
cho các sinh viên cùng môn học, điều này cũng đồng nghĩa với giáo viên chủ
nhiệm lớp không còn tồn tại mà thay vào đó phải là hội đồng cố vấn học tập. Thường
hội đồng cố vấn có thể được thành lập theo Khoa hoặc theo ngành học gồm một cố
vấn trưởng và các thành viên và người được chọn làm cố vấn phải là các giảng
viên có nhiều kinh nghiệm và am hiểu nghành học sâu sắc.

Nhiệm vụ của hội đồng cố vấn là giúp đỡ sinh viên
trong suốt quá trình học ở trường về cách chọn môn học, số môn học nên đăng ký
học ở mỗi học kỳ, phương pháp học tập, hướng nghiệp, … Việc cố vấn này có thể
ngay tại văn phòng của hội đồng, cũng có thể thông qua email, điện thoại. Có
thể nói, hội đồng cố vấn ở mỗi ngành học và mỗi khoa là chổ dựa rất lớn cho
sinh viên, nhất là sinh viên những năm đầu chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc
chọn môn học và phương pháp học tập.

    2.7 Phiếu
nhận xét giảng viên sau khi kết thúc môn học

Thường sau mỗi môn học, giảng viên phát phiếu nhận
xét và đánh giá môn học đến từng sinh viên trước khi thi hết môn. Việc nhận xét
và đánh giá được xem là việc làm bình thường và sinh viên cũng rất có ý thức
trong việc nhận xét. Nội dung của phiếu đánh giá thường có 3-4 mục chính là nội
dung giảng dạy, phương pháp truyền đạt kiến thức của giảng viên, ý kiến đề xuất
của sinh viên với giảng viên và môn học… Phiếu này được gửi đến Khoa và giảng viên
cũng được tham khảo để rút ra bài học cho kỳ học sau.

    2.8 Việc
quản lý đào tạo khi thực hiện học theo tích luỹ tín chỉ

Kinh nghiệm từ các trường ĐH ở Đức cho thấy rằng,
việc chuyển từ đào tạo theo niên chế sang đào tạo theo tín chỉ thì cần phải có
sự thay đổi cả 3 phía là người học, giảng viên và quản lý đào tạo. Tuy vậy ở
phần này tôi muốn nhấn mạnh đến công việc quản lý đào tạo ở phòng giáo vụ và giáo
vụ ở các khoa phải có sự thay đổi lớn mới đáp ứng được yêu cầu khi chuyển sang
đào tạo theo tín chỉ. Trường ĐH tổng hợp Humboldt- Berlin là một ví dụ điển
hình cho hình thức đào tạo theo tín chỉ, họ có một đội ngũ quản lý và điều hành
gọn nhẹ nhưng rất chuyên nghiệp, nhiệt tình từ khâu tư vấn môn học, đăng ký môn
học, thông báo thông tin môn học đến giảng viên và sinh viên, quản lý điểm,
công bố điểm,…Điều này có lẽ là một cản trở rất lớn đối với trường chúng ta ở trong
những năm đến khi chúng ta chuyển sang đào tạo theo học chế tín chỉ. Vì hầu hết
cán bộ ở phòng giáo vụ và các trợ lý giáo vụ ở các khoa về số lượng có lẽ là đủ
nhưng họ đều làm việc tay ngang, ít thành thạo về máy tính, sử dụng phần mềm và
internet, trong khi thực tế đào tạo theo tín chỉ đòi hỏi tính chuyên nghiệp
trong quản lý và điều hành rất cao.

Bên cạnh đó cũng cần nói thêm là việc nộp học phí của
sinh viên có liên quan đến việc cấp thẻ sinh viên và quyền lợi của sinh viên,
thẻ sinh viên chỉ được cấp theo kỳ học và được gửi về địa chỉ nhà sau khi đã
nộp học phí. Khi chưa nộp học phí tất nhiên sinh viên sẽ không có thẻ sinh viên
và không thể làm các thủ tục như đăng ký môn học, đi thư viện, mua vé tàu xe,
nên tính tự giác trong việc nộp học phí, lệ phí mỗi kỳ học của sinh viên rất
cao. Không phải chờ đến khi sắp thi hết môn mới hết hạn nộp học phí như trường
ta hiện nay, điều này không phải do hoàn cảnh khó khăn mà chủ yếu do ý thức của
SV.

3. Lời kết

Qua hệ thống đào tạo tín chỉ hiện nay ở các trường ĐH
ở Đức mà tôi có cơ hội được học và tìm hiểu có thể cho thấy rằng, việc đào tạo theo
tín chỉ là xu hướng tất yếu và chúng ta bây giờ mới bắt đầu tất nhiên là đã quá
muộn nhưng còn hơn là không thay đổi. Vì việc đào tạo theo tín chỉ sẽ có những
mặt tích cực sau:

– Hiệu quả học tập sẽ cao hơn, tính mềm dẻo trong đào
tạo và khả năng thích ứng cao kể cả người học và người dạy.

– Ban đầu, có thể chi phí cho quản lý có cao hơn
nhưng về lâu dài việc đào tạo theo tín chỉ sẽ tăng hiệu quả về mặt quản lý,
tính đồng nhất trong điều hành và giảm giá thành đào tạo là điều chắc chắn.

Từ kinh nghiệm ở các trường ĐH ở Đức, trong khuôn khổ
bài viết này tôi muốn có một vài khuyến nghị sau đây:

– Các trường ĐH cần thông báo rộng rãi cho cán bộ,
giảng viên và sinh viên về lợi ích cũng như lộ trình của việc đào tạo theo tín
chỉ để có sự đồng thuận cao, phát huy tính năng động kể cả giảng viên và sinh
viên và cán bộ quản lý đào tạo.

– Phòng giáo vụ  các trường nên gấp rút làm quen nhanh với cách
quản lý và điều hành theo học chế tín chỉ, tin học hoá các khâu và tăng cường
đối thoại qua mang Internet.

–  Các trường
cần xây dựng qui chế về hội đồng cố vấn học tập thay cho giáo viên chủ nhiệm
hiện nay.

– Trang bị máy tính, phần mềm, giáo trình điện tử,
thư viện hiện đại để quản lý và hỗ trợ học tập, đồng thời sinh viên có thể đăng
ký môn học trực tuyến.

– Cải tiến phương pháp giảng dạy để tạo sự năng động
và sáng tạo trong sinh viên và kể cả người dạy.


Tài liệu tham khảo

Ashwill, M. (undated). Components of
national education standards in Germany. Unpublished manuscript.

Foraker, W.C. (undated). The
educational structure of the German school system. Unpublished manuscript.

Koester-Bunselmeyer (April 11, 1996).
Letter to Amy Stempel, Council for Basic Education. Unpublished.

DAAD ở Việt Nam: www.daadvn.org

Trung tâm trợ giúp Đại học Quốc tế của
Đức:
www.uni-assist.de

Thông tin về sinh hoạt và học tập ở
Đức:
www.campus-germany.de

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here