Quản lý đất đai là một chủ trương lớn, có tầm chiến lược quan trọng của mỗi quốc gia. Quản lý đất đai là cơ sở để hình thành một nền kinh tế quan trọng, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, tạo việc làm, tạo môi trường sống cho dân cư đồng thời còn đảm bảo cho việc nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đất đô thị và nông thôn theo đúng quy hoạch và pháp luật.
Vậy cần hiểu khái niệm đất là gì và quản lý đất đai là gì?
Theo Lucreotit (triết gia La mã thế kỷ I TCN) “Đất là mẹ của muôn loài, không có cái gì không từ lòng mẹ Đất mà ra”.
Theo thuyết Âm dương ngũ hành: là một trong 5 yếu tố tạo thành vũ trụ: Kim, Thủy, Mộc, Hỏa, Thổ. Theo giả thuyết của Stephen Hawkin, cách đây 15 tỷ năm đã xảy ra “một vụ nổ lớn” – Big Bang hình thành thiên hà. Hệ Mặt trời cũng được hình thành bằng cách đó. Trong Hệ mặt trời có sao Thủy, sao Kim, Trái đất, sao Hỏa, sao Mộc, sao Thổ, sao Thiên vương, sao Hải vương.
Đất và đất đai:
– Đất (soil): Lớp đất mặt của vỏ trái đất gọi là Thổ nhưỡng. Thổ nhưỡng phát sinh là do tác động lẫn nhau của khí trời (Khí quyển), nước (Thủy quyển), sinh vật (Sinh quyển) và đá mẹ (Thạch quyển) qua thời gian lâu dài.
– Đất (land): khái niệm đất có thể được hiểu theo nhiều cách khác nhau:
• Đất như là không gian
• Đất như là cộng đồng lãnh thổ
• Đất như là vị trí địa lý
• Đất như là nguồn vốn
• Đất như là môi trường
• Đất như là tài sản
Luật Đất đai 2003 của Việt Nam quy định: Đất đai là tài nguyên quốc gia vô cùng quý giá, là tư liệu sản xuất đặt biệt, là thành phần quan trọng hàng đầu của môi trường sống, là địa bàn phân bố các khu dân cư, xây dựng các cơ sở kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh và quốc phòng.
Việc phân loại đất hiện nay ở Việt Nam theo 02 cách:
– Phân loại đất theo thổ nhưỡng: (theo Khoa học đất). Mục đích để xây dựng bản đồ thổ nhưỡng. Có 3 trường phái chủ yếu:
• Phân loại đất theo nguồn gốc phát sinh
• Phân loại đất theo định lượng các tầng đất
• Phân loại đất theo FAO – UNESCO
– Phân loại đất theo mục đích sử dụng đất:
• Căn cứ vào quỹ đất, mục đích sử dụng đất, chính sách thuế, các nước có bảng phân loại đất khác nhau: Đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất chuyên dùng ( đất xây dựng cơ sở hạ tầng, đất khu công nghiệp, đất thương mại, du lịch, sinh thái, bảo tồn), đất đô thị, đất ven đô thị, đất an ninh quốc phòng, đất ở và hành chính nông thôn, đất chưa sử dụng, đất hoang…
• Đối với Việt nam: từ 1/7/2004 theo quy định của Luật đất đai 2003, đất đai được chia thành 3 loại: đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp và đất chưa sử dụng.
Quản lý đất đai:
Quản lý đất đai (Land administration – địa chính): Theo định nghĩa của LHQ: Là quá trình lưu giữ và cập nhật những thông tin về sở hữu, giá trị, sử dụng đất và những thông tin khác liên quan đến đất. (Land administration guidelines-1996)- chỉ dẫn về quản lý hành chính đất đai.
Là quá trình đảm bảo theo luật pháp cho việc sử dụng, phát triển quỹ đất, khai thác lợi nhuận thu được từ đất (thông qua thuế, cho thuê, bán) và giải quyết các tranh chấp liên quan đến đất đai. Đối tượng quản lý đất đai liên quan đến cả 2 đối tượng đất công và đất tư bao gồm các công việc: đo đạc đất đai, đăng ký đất đai, định giá đất đai, giám sát sử dụng, lưu giữ và cập nhật các thông tin đất đai, cung cấp các thông tin đất đai và giải quyết tranh chấp đất đai.
Quản lý đất đai (Land management): là quản lý tài nguyên đất, được xem xét trên cả phương diện môi trường và kinh tế.